Monday, February 13, 2012

 
Ngôi sao cô đơn
(ngày cui thê lương)

Giới thiệu:

Tháng 8-1999, tôi dọn nhà đến một căn phòng mới mướn. Trên ngăn kệ cao của closet, người mướn trước để sót lại một xấp “hồi ký” dầy 27 trang viết tay.
Đêm đầu tiên ở phòng trọ mới, tôi đọc đoạn “hồi ký” bi hùng đó với nỗi niềm thương cảm không tả xiết: Thương cảm cho một danh tướng trong bước đường cùng của vận nước đen tối; thương cảm cho phu nhân và 2 người con của Tướng tuẫn tiết và thương cảm vị sĩ quan trẻ, có lẽ là Chánh Văn Phòng của vị tướng anh hùng, tức tác giả của đoạn “hồi ký” nầy.
Tháng 4-99, tôi đọc được bài viết của bà Lê Văn Hưng (Phạm Thị Kim Hoàng) có nhắc đến vị sĩ quan tên Nghĩa ở kề cận với Tướng Hưng đến giây phút chót, chắc đó là ông Nghĩa đã viết đoạn hồi ký mà tôi may mắn có được.
Gần cuối năm 1999, tôi đọc truyện dài Nửa Sơn Hà của nữ văn sĩ Kathy Trần có đoạn viết về Tướng Nam, Tướng Hưng, tác giả chú thích là lấy tài liệu từ Phạm Trung Nghĩa. Nghĩa nầy chắc là Nghĩa khác. Tôi không truy tìm được tông tích tác giả của xấp tài liệu nầy để ngỏ ý xin phép được phổ biến. Tôi nghĩ đây là tài liệu quí hiếm để người viết sử đối chiếu với các tài liệu khác, nên tôi tự ý cho phổ biến trước và sẽ xin phép sau, khi nào biết được tác giả. Mong ông Nghĩa hoặc người em của ông Nghĩa có đọc được thì hãy liên lạc với tôi (qua nhà báo)
Hồi ký hay ký ức là những bài viết kể lại sự kiện đã qua theo trí nhớ, theo chủ quan của người viết. Do vậy, nhiều người cùng chứng kiến chung một sự kiện mà khi kể lại, từng câu chuyện của từng người đem đối chiếu thấy không giống nhau 100%. Người viết sử muốn được trung thực thường hay tìm đọc những tài liệu từ các hồi ký, nhứt là hồi ký của những người viết không nhằm mục đích riêng tư nào, để chọn lựa lấy những chi tiết đáng tin cậy, thuyết phục được người đọc mà dựng lại lịch sử. Đọc đoạn hồi ký ngắn của ông Nghĩa, tôi nghĩ đây là người viết hồi ký không có dụng tâm gì cả, đáng tin cậy là trung thực trong tầm nhìn, trong giới hạn hiểu biết của ông, cạnh vị Tướng anh hùng của Quân Lực VNCH, người đã quyết định can đảm vào phút chót cuộc đời quân nhân của mình “Tướng chết theo thành”.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả đoạn hồi ký đặc biệt nầy.
San Jose, tháng 3-2000
Nguyễn Phước Đáng.

Lời tác giả gởi người em“… Anh cố gắng nhớ và ghi lại những gì xảy ra vào những ngày hấp hối của Quân Đoàn IV và cái chết bi hùng của Tướng Lê Văn Hưng. Không là văn sĩ, anh cũng không làm khung trước, nhớ gì viết nấy. Anh mong những vị chỉ huy trực tiếp của Tướng Hưng, những người đã từng trù dập, bôi bẩn vị danh tướng khi ông còn tử thủ ở An Lộc địa. Anh muốn nói tới Tổng thống Thiệu, Tướng 3 sao Nguyễn Văn Minh hiện còn sống tại Mỹ. Nếu quí vị còn sĩ khí của một vị tướng lãnh, hãy viết lên sự thật, để tỏ lòng sám hối, về những ngày tháng hè 72 An Lộc – Bình Long.
“… Nếu có thể, em liên lạc với Thiếu tá Phương, Trung Uý Phúc, đi diện HO, hiện sống tại Mỹ để biết thêm chi tiết về Tướng Hưng trong thời gian ông ở Sư Đoàn 5 BB mà anh không biết…”
* *
Lúc đó khoảng 8h30 tối ngày 30-4-75. Bộ quân phục nghiêm chỉnh vẫn còn trên người Chuẩn Tướng và tôi. Bên trong phòng ngủ Chuẩn Tướng, ngay sát đầu cầu thang trên lầu, sau nụ hôn vĩnh biệt của phu nhân vừa kịp đặt trên má chồng, ông Tướng đã vội vã đẩy bà ra phía ngoài và đóng nhanh cánh cửa. Lúc quay người lại, thấy tôi còn đứng lại trong phòng, giọng ông thảng thốt:
- Nghĩa! Mầy đi ra…
Vừa nói ông vừa nắm lấy tay tôi lôi về phía cửa. Tôi bệu bạo:
- Tôi ở lại cùng Thiếu Tướng!?…(*)
Sự dứt khoát của nghiêm lệnh hằng ngày trong giây phút xúc động mãnh liệt làm giọng Chuẩn Tướng lạc đi. Cái níu đẩy tôi ra ngoài, sự cọ xát ngắn ngủi đầy bi thương ấy khiến tôi có cảm giác mình như là thỏi sắt đang bị rút ra khỏi cục nam châm. Ôi! Cái chết hoàn toàn được sắp đặt trước, lần đầu tiên trong đời tôi mới chứng kiến. Tôi chợt oà khóc!
 
Đứng bên ngoài, tôi và phu nhân tai còn vọng nghe tiếng rít cài then khô khốc từ bên trong. Bất giác, tôi và bà Tướng mọp người xuống nền gạch, cố đưa mắt nhìn vào khe hở dưới cửa. Mọi sự diễn ra không đầy 1 phút sau đó. Một tiếng nổ chát chúa vang lên bên trong cánh cửa. Tôi hoảng hốt ngưng khóc, đứng bật dậy. Với tiếng nổ đó, tôi đau đớn nhận rõ chắc chắn chuyện gì đã xảy ra rồi! Trong phòng không còn tiếng động nào. Tôi đưa tay thử lay động cánh cửa. Vô hiệu! Tôi lùi lại nhìn xuống phía chân cầu thang kêu lớn khi thấy có 3-4 cái đầu đang nhớn nhác nhìn lên (hình như có cả Thiếu Tá Phương):
- Kiếm một con dao… cạy cửa mau…
Người tài xế tên Giêng cầm con dao to, nhọn, chạy nhanh lên và đích thân nạy cánh cửa bật ra. Mọi người cùng ùa vào phòng. Tôi bàng hoàng khóc ngất. Tất cả cũng khóc và chạy đến chỗ giường ngủ của Chuẩn Tướng. Ông đang ngữa người, nửa thân trên nằm trên tấm nệm trải drap trắng, 2 cánh tay buông ngang, khuy cổ và ngực áo bung ra, màu máu tươi nhuộm thắm phần ngực trái chiếc áo thun trắng bên trong. Cả phần chân Chuẩn Tướng buông thỏng bên ngoài, 2 gót giày chấm đất. Có lẽ Chuẩn Tướng đã ngồi cạnh thành giường, 1 tay cổi 2 khuy áo trên, tay kia đưa nòng colt 45 ấn vào chỗ trái tim…
Chúng tôi đặt Chuẩn Tướng ngay ngắn lại trên giường, gương mặt ông xanh tái, lấm tấm mồ hôi, miệng há, đôi mắt chưa khép, biểu lộ sự đau đớn cực độ. Vừa đặt đầu ông lên gối, bà Tướng vuốt mắt cho chồng… Chuẩn Tướng đã yên nghỉ! Viên đạn oan nghiệt đã xuyên thật chính xác quả tim người anh hùng.
Đứa con đầu lòng, Lê Uy Hải, lúc đó vừa tròn 6 tuổi, đã nhặt được đầu đạn đưa cho mọi người xem, rồi mím môi khép 5 ngón tay giữ chặt “kỷ vật”. Nhìn cử chỉ ấy, tôi nghĩ tuổi thơ ngây dại của cháu đã trôi qua mất kể từ buổi tối hôm nay rồi. Khoảng một tiếng đồng hồ trước đó hai anh em (em gái 3 tuổi) còn đùa giỡn trên tấm nệm cao su đặt dưới nền gạch cạnh phòng cha, hai đứa bé không hề hay biết lát nữa đây vành khăn tang trắng sẽ phủ lên tuổi ấu thơ hồn nhiên của mình.
……………….
…Quả thật tôi chỉ biết rõ quãng đời của Chuẩn Tướng vào thời điểm Cần Thơ, thủ phủ Miền Tây, thật sự đã vô chủ. Cần Thơ gần như chỉ bước vào cuộc trong đêm 29-4. Mười giờ đêm, lúc tôi đang mơ màng, điện thoại từ T.O.C/ Quân Đoàn gọi sang trình Chuẩn Tướng diễn tiến tình hình: Các trực thăng từ Quân Đoàn 3 , từ Sài Gòn… bay lẻ loi về miền Tây đáp bất kỳ nơi nào đáp được… Tôi thức luôn tới sáng vì điện thoại gọi đến liên tục.
12 giờ khuya, nghe có tiếng xôn xao ồn ào ngoài cổng dinh, tôi bước ra và nhìn thấy hàng dòng người cuồn cuộn tuôn trên đại lộ phía bên kia công viên. Cuộc diễu hành náo loạn như đang giữa ban ngày. Tôi kinh ngạc hỏi người lính gác cổng mới biết đó là đoàn người kéo nhau ra bến Ninh Kiều để lên tàu Hải Quân… ra đi. Tôi ngỡ ngàng tự nhủ: “Như vậy là Phó Đề Đốc Thăng tự động dẫn đoàn tàu của ông di tản ư?” (Các lực lượng Không Quân, Hải Quân, lực lượng Đặc Chủng ở miền Tây đều nằm trong hệ thống điều động của BTL/ Quân Đoàn IV) Trong làn sóng người lục tục kéo đi, bất chợt tôi nhìn thấy xe của Chuẩn Tướng Chương Dzềnh Quây, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn IV. Tôi quay vào, gọi ngay cho Thiếu Tá Trưởng Toán Trực TOC hỏi ông có biết vụ nầy không, rồi vội vã lên lầu trình Chuẩn Tướng. Chính ông cũng đang thức như tôi, và bảo tôi gọi Đại Tá Trang, Tư Lệnh Hải Quân Vùng IV Sông Ngòi để ông nói chuyện.
Lúc đó đã 3 giờ sáng ngày 30-4. Tôi đã thấm mệt nhưng vẫn cố nhướng mắt chịu đựng. Giờ nầy giá có Phúc thì hết chê. Phúc khoẻ mạnh, tháo vát, giỏi giắn… Nhưng Trung Uý Phúc đang kẹt lại Sài Gòn sau một chuyến “quá giang” trực thăng về Sài Gòn, ngày trở lại đơn vị bằng đường bộ, quốc lộ Sài Gòn – Long An bị cộng quân cắt đứt với trận chiến dằn dai nhiều ngày, chưa khai thông được.
7 giờ 30 sáng 30-4, tại phòng họp BTL, như thường lệ, Phòng 3 thuyết trình tình hình trong đêm vừa qua trước 2 vị Tướng và các quan chức. Lần nầy có vẻ nghiêm trọng về việc lực lượng Hải Quân Vùng 4 Duyên Hải bỏ đi, mang theo Chuẩn Tướng Tham Mưu Trưởng, Đại Tá Diệp, Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh (Cần Thơ), Thiếu Tá Chánh Văn Phòng Tư Lệnh, Đại Tá Đạt, Chánh Sở Hành Chánh & Tài Chánh Số 5.
8 giờ 30 Đại Tá Thiên được cử tạm thời đảm trách chức vụ Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh.
9 giờ 30 hai vị Tướng Lãnh gặp nhau trong phòng việc của Tư Lệnh Phó. Chuẩn Tướng bảo tôi gọi Chuẩn Tướng Lạc, Tư Lệnh Sư Đoàn 9 đang chỉ huy công cuộc giải toả quốc lộ Long An, nói ông khẩn dùng trực thăng bay về Bộ Tổng Tham Mưu để biết rõ tình hình thực tại. Trên đường bay, Tướng Lạc không bắt liên lạc được với không phận Sài Gòn, nên phải quay về. Chuẩn Tướng lại lệnh cho tôi gọi về Bộ Tổng Tham Mưu để ông gặp Tướng Trưởng Phòng 3. Tôi lạnh người khi nghe tiếng người tuỳ phái cho biết:
“Tổng Tham Mưu hiện không còn ai. Các Tướng Tá, Sĩ Quan cao cấp đang ở tại cơ quan MACV của Hoa Kỳ.”
Tôi hiểu liền các vị ấy có mặt tại đó để làm gì! Sau vị nguyên thủ quốc gia (Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu), B/Tổng Tham Mưu cũng đã lặng lẽ đóng cửa!… Và như vậy, có nghĩa là riêng Quân Đoàn IV phải tự lo liệu lấy. Buông ống điện thoại xuống, tôi đứng ỳ tại chỗ, một cảm giác tê buốt chạy dọc thân thể: “Đất nước thực sự đã mất rồi
…” Tôi bước vào phòng trình tự sự lên 2 vị Tướng. Tôi thấy mắt Chuẩn Tướng hơi chùng xuống, rồi gật đầu tỏ ý không cần thêm gì nữa. Tôi bước ra ngoài, một nhân viên văn phòng trao chiếc radio và cho biết đài phát thanh Sài Gòn thông báo dân chúng đón nghe thông điệp khẩn của Tổng Thống Dương Văn Minh. Tôi quay trở vào phòng trình Chuẩn Tướng. Lúc nầy Thiếu Tướng Nam đã trở về phòng ông. Chuẩn Tướng vội vã rời phòng bước xuống bậc thềm hướng về toà nhà Tư Lệnh. 15 phút sau, tôi ghi vội nội dung lời phát biểu cuối cùng của Tổng Thống Minh, định sang trình 2 vị Tướng. Gặp Chuẩn Tướng đang bước xuống bậc tam cấp, tôi vừa trao tờ giấy vừa nói vắn tắt:
- Tổng Thống Minh đã đầu hàng!…
Chuẩn Tướng quày quã đẩy cửa vào Phòng Tư Lệnh. 15 phút sau, Chuẩn Tướng trở lại văn phòng mình và bảo tôi gọi để ông nói chuyện cùng 16 Tiểu Khu Trưởng. Đó là lệnh ban hành thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Vùng IV kể từ giờ phút nầy. Các đơn vị dừng quân và bố trí tại chỗ chờ lệnh Quân Đoàn. Nếu nó “bung” thì làm lại liền. Thiếu Tướng Tư Lệnh cũng gọi cho 3 Tư Lệnh Sư Đoàn 7, 9 và 21.
Mặc dù nhận rõ thông điệp của Tổng Thống Minh, nhưng hai vị Tướng Lãnh trách nhiệm sinh tử Vùng IV lúc nầy muốn ngăn trở những hổn loạn có thể xảy ra trong cảnh tối tăm nầy. Chính vì vậy mà giờ phút nầy, Chuẩn Tướng vẫn liên lạc cùng Tướng Tần, Tư Lệnh Vùng IV Không Quân, hỏi ông về việc sử dụng bom CPU. Tôi không rõ chuyện thảo luận của 2 vị về việc nầy, nhưng 1 tiếng sau đó, sau khi rời phòng họp, Tướng Tần cùng các sĩ quan của ông đã lên các phi cơ rời căn cứ… nối gót lực lượng Hải Quân!….
Giờ phút nầy, tôi đang giúp Chuẩn Tướng điều chỉnh lại bộ dây ba chạc trên người ông, Chuẩn Tướng như đang trong tư thế đối đầu tại chiến tuyến. Cửa phòng xuỵt mở, 3-4 Đại Tá tất bật kéo nhau vào. Các vị nầy trong số 7 vị Đại Tá được Tư Lệnh Quân Đoàn đề cử vào chức vụ Phụ Tá Tư Lệnh Phó đặc trách về Xây Dựng & Bình Định, Địa Phương Quân & Nghĩa Quân… Thấy điệu dạng họ như vậy, Chuẩn Tướng cười mỉm:
- Các ông làm gì vậy? Tôi còn đây mà.
Thì ra các vị đến để yêu cầu ông Tướng trình Tướng Tư Lệnh để họ được đảm nhiệm chức vụ Trung Đoàn Trưởng, lấp chỗ các vị đã tự ý rời nhiệm. Tôi ngầm hiểu ý nghĩa về việc yêu cầu đó: Thông thường các Trung Đoàn Trưởng được cấp trực thăng C & C sử dụng trong ngày. Tôi được biết Đại Tá Bùi Huy Sảnh, Trung Đoàn 33 cũng vừa rời bỏ chức vụ. Chẳng biết ông có di tản được không?
Ban hành thiết quân luật, Vùng IV đang có vẻ chuẩn bị đối phó với tình hình hơn là treo cờ hàng. Ngay khi hay tin Sài Gòn thất thủ, chợ búa, hàng quán được dân chúng Cần Thơ mua vội bán vội, cố thu xếp nhanh chóng trở về nhà, vẻ mặt ai nấy đều lo âu. Xe lướt nhanh hơn, người đi bộ gần như chạy, đường phố như chuẩn bị đón cơn mưa lớn.
Sau bức thông điệp đầu hàng của Tổng Thống Minh, mọi liên lạc viễn thông với Sài Gòn đều bị cắt đứt. Chúng tôi không biết gì về tình hình Thủ Đô. Tuy vậy, cho đến trưa, tình hình Cần Thơ và 16 tỉnh lỵ vẫn yên tĩnh, chưa có bóng dáng một nhóm cộng quân nào vào các Thị Xã. Các Tiểu Khu vẫn còn liên lạc tốt với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn.
Buổi cơm trưa thật lạnh lẽo, tôi không thấy đói, nuốt vội qua loa, rồi để nguyên binh phục, kể cả giày, ngả lưng trên giường. Tôi biết, kể từ giờ phút nầy, biến cố sẽ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Buổi sáng, tôi đã tự ý gọi Đại Đội Trưởng Tổng Hành Dinh yêu cầu cho đổ đầy xăng chiếc Jeep Tư Lệnh Phó, xe tôi, xe Ford Custom mang số ẩn tế dùng cho gia đình Chuẩn Tướng. Cho tới giờ phút này, tôi chưa hề được Chuẩn Tướng ra lệnh lạc nào cả…
13 giờ, chúng tôi trở vào Bộ Tư Lệnh, cách tư dinh Tư Lệnh Phó độ 300 mét. Tôi thấy xe Falcon đen cũng đưa bà Tướng cùng 2 con rời cổng dinh. Tôi hơi ngạc nhiên và lo lắng… Có tiếng ồn ào phía Phòng 2 Quân Đoàn: Một núi giấy tờ đang được đốt cháy ngùn ngụt. Có lẽ các hồ sơ quan trọng được thiêu huỷ? Tôi không rõ Đại Tá Trưởng Phòng có còn đó không, và việc thiêu huỷ giấy tờ nầy do lệnh của ai? Tôi cũng không rõ giờ phút nầy có còn đủ các Trưởng Phòng không? Chuẩn Tướng cũng không gọi đến vị Trưởng Phòng nào, ngay cả Trung Tá Tòng, Trưởng Phòng 3 ! Tôi tự hỏi, “Trong tình huống nầy, 2 vị Tướng có còn chỉ huy cấp dưới được nữa hay không” Khuôn viên Bộ Tư Lệnh vắng ngắt, nghẹt thở.
14 giờ 30, Chuẩn Tướng lại trở về tư dinh. Ông bước lên bực thềm, nhưng không bước vào trong như mọi khi, mà đứng tại hiên tiền đình, nhìn mông lung ra khoảnh sân phía trước. Tôi đứng bên trái Chuẩn Tướng, cách vài bước, hơi chếch phía sau, hướng tầm mắt theo ông. Mới vào Hè mà cảnh vật như đã Thu, Đông. Trời chiều ảm đạm, thê lương, từng mảng mưa bụi lạnh lẽo thả xuống tàn phượng vĩ đang nở hoa đỏ ối giữa sân, thêm hình ảnh bất động của Chuẩn Tướng trước mặt, tất cả mang đến cho tôi một cảm giác u-buồn, tan tác… Bất chợt, Chuẩn Tướng quay lại hỏi tôi:
- Cô đi đâu?
- Thưa, cô đến nhà thờ xin lễ rửa tội.
Vừa lúc đó cửa cổng dinh mở toang, chiếc Falcon trườn vào. Tôi thở ra nhẹ nhõm.
Mấy ngày nay, tình hình chiến sự, tình hình đất nước đen tối như vậy, mà người thợ may riêng không ngớt giải quyết mớ vải vóc mới tinh cho bà Tướng cùng thân quyến. Bây giờ lại đi xin rửa tội. Tôi không bao giờ nghĩ ra chuyện ông bà Tướng đã âm thầm cùng bàn bạc chuẩn bị cái chết cho toàn gia đình. Và phần bà đã dọn mình bằng chính cung cách riêng của bà. Bà muốn khi từ giã cõi đời sẽ cùng con cái được đón nhận là con chiên của Chúa, và bước vào áo quan với bộ đồ mới tinh, trong trắng… Nhưng vào phút cuối cùng, khi nhìn thấy 2 con thơ dại, Chuẩn Tướng thay đổi ý và nằn nì bà ở lại đùm bọc 2 con.
Buổi sáng, ngay sau khi bản thông điệp của Tổng Thống Minh vừa dứt, bà Tướng gọi sang văn phòng bảo tôi tìm cho bà càng nhiều càng tốt thuốc varium 5mg. Bà Tướng vốn bị bệnh mất ngủ đã nhiều năm, nên việc bà cần loại thuốc nầy không có gì đặc biệt, tôi nghĩ vậy. Nhưng khi gọi cho Trung Tá Lưu, Liên Đoàn Trưởng 74 Quân Y, ông khuyên tôi đừng nên can dự vào, để lương tâm khỏi bị ray rứt sau nầy.. Rốt cuộc tôi xuống trạm xá Quân Đoàn và người sĩ quan trợ y đã dốc hết số thuốc còn lại trên trăm viên. Bà Tướng nhận số thuốc rất điềm nhiên trước giờ đi nhà thờ xin lễ rửa tội.
Gương mặt Chuẩn Tướng thoáng chút rạng rỡ khi thấy vợ con về đến dinh an toàn. Ông bước đến bên xe đón bà, trao đổi vài lời rồi lên xe trở lại Bộ Tư Lệnh.
Đã 3 giờ chiều. Tôi được biết có cuộc hẹn gặp gỡ thảo luận về việc tiếp thu Cần Thơ giữa BTL/Quân Đoàn IV với đại diện của phía cộng quân. Mọi sự sẽ diễn ra tại văn phòng Tư Lệnh. Tôi không rõ ngoài 2 vị Tướng còn có những ai khác, phía cộng quân bao nhiêu người và ai đã thảo ra văn bản để đôi bên cùng đồng ý ký kết.
16 giờ, Chuẩn Tướng rời Bộ Tư Lệnh và đây là lần hiện diện cuối cùng của ông tại bản doanh nầy. Xe chúng tôi vừa ra khỏi cổng chánh, ông ra hiệu dừng lại và bước xuống xe xem coi chuyện gì xảy ra ở phía trước. Bên kia đường, đối diện vòng đai và cổng chánh Bộ Tư Lệnh có rất nhiều thanh niên, kẻ quần tây, người quần đùi ở trần đang nối đuôi thành hàng dài phóng chân rảo nhanh. Tôi ra hiệu cho anh quân cảnh sang bên kia đường đón chận hỏi 1 người trong số họ. Thì ra những thanh niên nầy thoát ra từ trại Tuyển Mộ Nhập Ngũ đã bỏ ngõ. Giờ phút nầy có lẽ không gì thần tiên bằng là họ đang được trở lại nhà. Hèn gì họ vừa chạy vừa biểu lộ vẻ vui mừng rối rít. Nhìn cảnh tượng trước mắt, tự dưng tôi thấy dâng lên trong lòng nỗi cô độc, trống vắng làm sao! Hình như chỉ còn mỗi một xe jeep chúng tôi độc hành trên con đường ngắn quen thuộc, mà giờ đây như xa lạ và dài lê thê ra…
Đến ngả tư nơi tiếp giao giữa Bộ Tư Lệnh với dinh Tư Lệnh Phó và dinh Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh, Chuẩn Tướng ra hiệu dừng xe. Ông bước xuống, đứng nhìn bao quát, có vẻ như đang sắp xếp một thế trận. Tôi nhìn ra 4 phía lộ, và nhận ra vẻ trống vắng rờn rợn. Lác đác vài xe gắn máy, xe thồ, xe đạp đang hối hả gò lưng. Cả một góc phố thoi thóp, im ỉm khiến tôi liên tưởng đến những đoạn film có cảnh tương tự: Les Sept Mercenaires, O.K Coral… thời còn đi học. Bổng từ phía chân cầu Nhị Kiều xuất hiện một chiếc xe jeep đang theo đại lộ Hoà Bình lao nhanh về phía chúng tôi. Chiếc jeep dừng lại cạnh xe Chuẩn Tướng. Người ngồi trên xe là Tướng Mạch Văn Trường, tân Tư Lệnh Sư Đoàn 21. Ông là 1 trong vài vị Tư Lệnh được Tổng Thống Thiệu ra sắc lệnh thăng cấp trước khi lên phi cơ rời Việt Nam. Tướng Trường xuống xe trình Tướng Tư Lệnh Phó Quân Đoàn điều gì tôi không nghe được, nhưng với vẻ hấp tấp và gương mặt đầy lo âu, cộng với tình hình trước mặt, tôi đoán chắc Bộ Tư Lệnh của ông hiện đã tan rã. Chuẩn Tướng bảo Tướng Trường theo ông về dinh.
Tại phòng khách, hai vị cùng ngồi trên ghế “canapé”. Với giọng nói cứng cỏi, quả quyết, ông nói với Tướng Trường rằng giờ nầy ông chỉ huy. Ông bảo Tướng Trường cùng Trung Tá Thành, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 9 Kỵ Binh đến đóng bản doanh tại dinh Tiểu Khu Trưởng. Chuẩn Tướng bảo Trung Tá Thành lệnh cho 2 Chi Đoàn thiết vận xa M.113 đang ở vùng quận lỵ Bình Minh lập tức quay về Cần Thơ và cho người đến tận bến phà lệnh cho toán chuyển vận phải túc trực ưu tiên chở đoàn thiết vận xa vượt sông. Ra lệnh xong, Chuẩn Tướng đứng lên, vào phòng rửa mặt trong lúc Tướng Trường vội vã ra xe đến dinh Tiểu Khu Trưởng.
Đèn phòng vừa bật sáng, tôi nhìn ra cửa sổ, bóng tối đã nhợt nhờ ngoài sân. Phía cuối phòng, bà Tướng và gia đình đã ngồi vào bàn ăn, có vẻ vẫn an bình như mọi bữa cơm tối hằng ngày. Người lính phục dịch đặt trên bàn tiếp khách, chỗ Chuẩn Tướng đang ngồi, 1 cái dĩa, muỗng và 2 trứng gà ngâm trong ly nước sôi.
Tôi đứng cạnh bàn viết đặt sát cửa sổ phòng khách, trên bàn có 2 máy điện thoại: 1 tự động và 1 qua tổng đài viên. Tối nay tôi tăng cường thêm 1 PRC 25 mở tần số của BTL/SĐ 21 và Thiết Đoàn 9 để liên lạc, theo dõi. Hình như hệ thống truyền tin của Bộ Tư Lệnh đã ngưng hoạt động từ 17 giờ, vì tôi gọi không có tiếng tổng đài viên trả lời. Còn máy tự động dường như bị cắt. Lúc nầy, Thiếu tá Trịnh Đức Phương, nguyên Chánh Văn Phòng, cũng từ dưới phòng anh bước lên đứng phía trái Chuẩn Tướng. Cả 3 chúng tôi im lặng, hồi hộp nhìn về phía màn hình TV vẫn sáng trong, im ỉm.
Phái đoàn 2 bên rời BTL/Quân Đoàn đã gần 2 tiếng đồng hồ và chính lúc nầy là giờ qui định phát thanh. Chúng tôi không phải chờ đợi lâu thêm. Có tiếng nói vọng ra từ TV, tự xưng là phát ngôn viên của BTL/Quân Đoàn và đọc văn bản thông báo “BTL đã đầu hàng. Các đơn vị phải buông trao vũ khí…” Bản văn vắn tắt, nhưng thật rõ ràng, đầy đủ. Nghe đọc bản văn như vậy, tất cả chúng tôi, những người hiểu rõ nội dung bản văn chung trong phiên họp 2 bên đều chết điếng: Đây không phải là bản văn đã được 2 bên thoả thuận ký kết. Lập tức Chuẩn Tướng bảo tôi chuyền máy PRC 25 đến chỗ ông ngồi, đích thân ông cầm ống liên hợp gọi “Hổ Cáp” (danh hiệu Trung Tá Thành trong đặc lệnh truyền tin) bảo ông Thành dùng M 113 lái đến dinh để đi cùng Chuẩn Tướng đến đài phát thanh. Nghe đến đó, tôi lùi một bước về phía cửa, ra hiệu cho Trung Sĩ Sao (cận vệ) chuẩn bị sẵn sàng để di chuyển. Tôi trở lại chỗ cũ vừa kịp nghe lời đáp của Trung Tá Thành vang lên trong loa khuếch đại. Lời lẽ vẫn còn mang vẻ lễ độ của một cấp thừa hành, nhưng rõ ràng đó là lời từ chối thi hành lệnh. Thật khó đoan chắc có lực lượng đáng kể nào của cộng quân đã có mặt ở Thị Xã hay Bộ Tư Lệnh chưa, nhưng với văn bản vừa phát ra, chắc chắn sẽ hung hiểm vô cùng nếu tự nhiên xuất hiện một chiến xa rầm rộ di chuyển trong đường phố lúc nầy. Tôi tin rằng Chuẩn Tướng hiểu rõ điều đó. Trong cảnh biến động nầy, tuy lòng có lo âu, sợ hãi, nhưng nhìn thấy đức tính gan dạ, bất khuất của ông, như là dũng tướng tới bước đường cùng vẫn tả xung hữu đột, tôi khâm phục ông xiết bao! Với tinh thần tự nhận trách nhiệm tối cao, hai vị Tướng Lãnh muốn quân nhân phải được bảo đảm an toàn, ít nhứt cũng cho những binh sĩ khi họ không còn được quyền cầm vũ khí trong tay nữa. Sau bản thông điệp của Tổng Thống Minh, có ai biết được chắc chắn về số phận của những đơn vị trước đó đang trực tiếp giao tranh ác liệt cùng các lực lượng cộng quân và rồi bổng dưng họ phải buông súng trong cơn hận thù còn sôi sục của đối phương?
Đang miên man nghĩ suy, tôi giựt mình khi điện thoại reo vang. Nhấc ống nghe lên, tôi vội chuyển liền cho Chuẩn Tướng khi nhận ra giọng trầm trầm, chậm rãi của Thiếu Tướng Tư Lệnh. Có lẽ Thiếu Tướng hỏi Chuẩn Tướng về bản văn phát thanh vừa rồi. Tôi nghe Chuẩn Tướng trình bày là mọi việc đã giao cho Đại Tá Sáu, ThMPh/ ChTrChTr/Quân Đoàn đại diện cùng đi với phe cộng quân. Vì sao bản văn chung bị tráo? Và tình trạng Đại Tá Sáu ra sao chỉ duy nhứt Đ/T Sáu biết mà thôi. Tôi không nghe Chuẩn Tướng báo với Thiếu Tướng chuyện ông tính đến đài phát thanh mà không thành. Cuộc điện đàm giữa 2 vị Tướng kết thúc. Buông ống liên hợp xuống, Chuẩn Tướng thừ người, ngồi bất động. Lần đầu tiên tôi nhận ra vẻ mệt nhọc tuyệt vọng trên gương mặt ông. Chỗ dựa cuối cùng đối với đơn vị và những đàn em thân tín mà ông từng chỉ huy giờ đã bật gốc. Trong một cử chỉ buông xuôi, Chuẩn Tướng đưa 2 tay về phía trước, bằng một giọng nói oai mãnh, bất khuất ông đã quất về phía tôi và Thiếu Tá Phương một tràng lanh lảnh và đanh thép, khiến tôi rụng rời, vì biết sắp phải xa ông, vị Tướng tôi luôn kính quí. Tôi cúi đầu lặng thinh, cả một khoảnh khắc chơi vơi để 3 chúng tôi mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng…
Chuẩn Tướng đứng lên bảo tôi tập hợp toán lính gác để ông nói chuyện. Thượng Sĩ Trưởng Toán Tiểu Đội bảo vệ dinh Tư Lệnh Phó tập hợp quân thành 2 hàng bên hông dinh. Bằng một giọng cảm động, chân tình, Chuẩn Tướng cám ơn họ đã vẫn ở bên ông đến giờ phút cuối cùng nầy và bảo anh em bây giờ ai muốn rời dinh cứ tuỳ ý… Bổng có tiếng người lính gác ở trên cao báo động có xe cộng quân đến. Lập tức Chuẩn Tướng chạy vào trong nhà. Tôi hô toán cận vệ vào vị trí, rồi xách máy PRC 25 theo ông lên lầu. Chuẩn Tướng vào phòng ngủ rồi trở ra với khẩu XM 18 trên tay, chạy ra bao lơn, nằm xuống nhìn ra phía đường. Lúc nầy tôi mới nhận ra đường phố đang tối thui. Điện toàn bộ Thị Xã bị tắt ngúm. Như vậy điện trong dinh hiện có là do đường dây từ máy phát điện riêng của BTL/Quân Đoàn. Trong bóng đêm u-uất đó, 2 vệt sáng rực phát ra từ 2 đèn pha chiếc xe jeep vừa rời cổng dinh Tiểu Khu, quét thẳng về phía chúng tôi trông thật ghê rợn. Nhưng khi ra đến ngả tư, ánh đèn lại rẻ trái theo đại lộ Hoà Bình hướng về BTL/Quân Đoàn. Họ không đến chỗ chúng tôi. Chuẩn Tướng đứng lên, lùi trở về phòng. Tôi dùng máy PRC 25 thử gọi danh hiệu của Tướng Trường và Trung Tá Thành. Gọi 3-4 lần vẫn khong có tiếng đáp lại. Có vẻ như hệ thống máy đầu bên kia đã ngưng. Chắc chắn phải có biến cố bên dinh Tiểu Khu Trưởng, chỗ Tướng Trường và Trung Tá Thành đến đóng bản doanh hồi chiều. Dinh Tiểu Khu Trưởng và dinh Tư Lệnh Phó chỉ cách nhau hơn 300m thôi, nếu có tiếng súng nổ chúng tôi phải nghe được, nhưng sự việc máy không còn mở túc trực chứng tỏ tình trạng Tướng Trường rất bi quan. Có thể ông và Trung Tá Thành đã bị bắt. Và như vậy tình hình trong dinh chúng tôi cũng rất nguy ngập, không rõ địch sẽ xuất hiện lúc nào. Có lẽ Chuẩn Tướng thấy rằng thì giờ đang rất cấp bách, nên ông bước đến đẩy cửa vào phòng bà. Và đây chính là giờ phút ông thuyết phục bà cần phải sống. Hai cháu bé đang vô tư đùa giỡn trên tấm nệm cao su đặt dưới nền gạch lối ra bao lơn. Tôi trở xuống nhà để tìm gặp, dặn dò toán gác. Thật ra tìm họ cũng là để tự trấn an mình.
10 phút sau, Chuẩn Tướng gọi tôi lên lầu gặp ông. Tại đây tôi thấy ngoài tôi và Thiếu Tá Phương, còn có đông đủ những binh sĩ đã từng phục dịch Chuẩn Tướng cùng gia đình rất lâu năm. Chuẩn Tướng đứng tại phòng ngủ, hai cánh tay ghì chặt đứa con gái 3 tuổi để cho đầu cháu tựa vào má ông. Bà Tướng đứng bên cạnh. Hai bàn tay măng non của cháu bé hồn nhiên lùa vào mái tóc cha làm loả xoả vài lọn tóc rối trên trán Chuẩn Tướng. Bức tranh bi thảm ấy khiến lòng tôi ngậm ngùi tê cứng. Bằng giọng nói tha thiết, ân cần, Chuẩn Tướng gởi lại bà cùng 2 con cho chúng tôi. Ông quả quyết từ giờ cho tới sáng sẽ không có chuyện gì xảy ra, bảo chúng tôi cố gắng hộ tống bà cùng gia đình về Sài Gòn rạng sáng ngày mai, 1-5. Đó là lời uỷ thác cuối cùng của Chuẩn Tướng. Dù đã từng xông pha bao chiến trận, nhưng trong giờ phút tử biệt nầy, Chuẩn Tướng không nén được nỗi uất nghẹn trong lời nói. Ông lấy lại trầm tỉnh thật nhanh, quát bảo tất cả trở xuống dưới nhà, chỉ còn mình tôi và bà Tướng ở lại. Để rồi giây phút vĩnh quyết đã đến!…
Hồi Kết
Lúc đó đã 9 giờ đêm 30-4. Chúng tôi xúm quanh giường ngủ giúp bà Tướng lau rửa thân thể, thay y phục cho ông. Chừng đỡ lưng Chuẩn Tướng lên, mọi người lại đau lòng rấm rứt khóc khi thấy vẫn còn máu tươi rĩ ra chỗ viên đạn thoát ra khỏi thân thể ông. Chuông điện thoại lại reo lên. Tôi lật đật mời bà Tướng tiếp chuyện với Thiếu Tướng Tư Lệnh. Bà sụt sùi báo tin Chuẩn Tướng đã… ra đi… Cuối cùng bà nghẹn ngào cảm ơn Thiếu Tướng Tư Lệnh đã gọi đến thăm hỏi, an ủi bà… Để rồi… 8 tiếng đồng hồ sau, lúc 5h30 sáng ngày 1-5, hai vị Tướng cao cấp nhất lãnh thổ vùng IV cùng gặp được nhau ở bên kia thế giới, với cùng ý chí “Tướng phải chết theo thành
Chuông điện thoại lại reo. Tôi nhắc ống nghe lên, giật mình khi nhận ra tiếng nói của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Tiểu Khu Trưởng Chương Thiện. Giọng ông thật khẩn cấp, ông cần nói chuyện với Tướng Tư Lệnh Phó. Tôi quyết định nhanh trong trí, “Không cho Đại Tá biết Chuẩn Tướng đã tuẫn tiết!” Tôi nghĩ, hệ thống điện thoại đã bị ngắt hoặc do đơn vị nầy đã bỏ nhiệm sở từ chiều, không lý gì bây giờ lại tái lập? Chắc cộng quân đã chiếm đóng và đang kiểm soát các cuộc điện đàm… Sau nầy khi hồi tưởng lại, tôi mới thấy mình thật ngu khờ: Chỉ vì muốn bảo toàn thi hài Chuẩn Tướng mà tự ý trả lời Đại Tá Cẩn là Chuẩn Tướng đang bận chỉ huy các đơn vị nên không thể rời máy tiếp chuyện Đại Tá được. Tôi nghĩ chỉ có cách đó mới ngăn được Đại Tá, để ông không đòi gặp Chuẩn Tướng nữa. Tôi còn tự ý trả lời “Lệnh của ông Tướng truyền đi hồi sáng vẫn không thay đổi” khi Đại Tá hỏi đến điều nầy. Hậu quả là Đại Tá tiếp tục cho Tiểu Khu mình tử thủ, để rồi ông bị bắt, sau đó đưa về Cần Thơ và Cộng quân đã đưa Đại Tá ra xử bắn trước đám đông dân chúng. Trong lúc chỉ huy chiến đấu, Đại Tá Cẩn đã bị thuộc hạ của mình phản trắc, khống chế từ sau lưng. Tôi tin rằng chính vì vậy mà ông không kịp thực hiện được hành động can trường như Chuẩn Tướng Tư Lệnh Phó và Thiếu Tướng Tư Lệnh đã làm, khi Tiểu Khu thất thủ, mà đành để bị bắt sống. Ông vốn là Trung Đoàn Trưởng của Sư Đoàn 9 tăng viện chiến trường An Lộc mùa hè 72, được vinh thăng Đại Tá và trở thành Tiểu Khu Trưởng Chương Thiện sau đó. Pháp trường của kẻ thắng càng tô đậm thêm ý chí hiên ngang, bất khuất của người dũng sĩ trước mũi súng quân thù. Tổ quốc sẽ mãi mãi ghi nhớ ơn Ông cùng những người, cho dù là hàng binh sĩ, trong những giờ phút nầy vẫn còn ngả gục và thắm máu đào trên khắp đất nước non sông.
Có tiếng rè rè từ máy PRC 25 và loa khuếch đại vang lên tiếng gọi danh hiệu Chuẩn Tướng. Tôi nhìn lại bản đặc lệnh truyền tin và nhớ ra giọng nói của Thiếu Tá Điệp, Tiểu Đoàn Trưởng 1/31 đang trong vùng hành quân thuộc quận Bình Minh, chắc anh không liên lạc được với Bộ chỉ huy Trung Đoàn và Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, nên mới gọi thẳng về Chuẩn Tướng. Tôi báo cho Thiếu Tá Điệp biết chuyện của Chuẩn Tướng và cầu chúc anh may mắn. Trong đêm nay còn bao nhiêu đơn vị đang trong tình trạng bơ vơ, lạc đàn như Tiểu Đoàn của anh, kêu gọi cấp chỉ huy trong vô vọng và đành chờ đợi ánh bình minh để nhận lãnh số phận mình… Từ đó tôi quyết định tắt hẳn máy PRC 25.
Tôi bước trở lại phòng Chuẩn Tướng và nhìn thấy ông ngời sáng trong bộ lễ phục với đầy đủ quân hàm trên 2 cầu vai, cùng dây biểu chương, huy chương. Bà Tướng đang xếp gấp tư lá cờ vàng ba sọc đỏ và lần tay mở nút áo đặt lá cờ ngay ngắn chỗ phần ngực ông. Xong xuôi, bà ngước lên nói cùng tôi, bà mong muốn lễ tang Chuẩn Tướng được tổ chức đúng lễ nghi quân cách. Tôi gật đầu im lặng. Trong bối cảnh nầy, tôi thấy mình cần phải tận lực giúp đỡ bà, còn việc thành bại là hướng sắp tới.
Trời đã khuya, chỉ còn độ nửa tiếng nữa là sang ngày hôm sau. Thân nhân của Chuẩn Tướng vẫn còn đó cạnh ông. Có lẽ cũng không ai nhắm mắt được đêm nay. Tôi đến cầu thang, trở xuống nhà dưới, theo cửa sau vòng ra sân với đầu óc trĩu nặng lo nghĩ. “Khi hay tin Chuẩn Tướng tuẫn tiết, liệu bọn Cộng Sản có chấp nhận để yên cho mai táng ông không, mai táng bình thường thôi, chớ chưa nói đến chuyện đúng lễ nghi quân cách? Hay là đêm nay mình tìm nơi an táng ông chính tại trong khuôn viên dinh?…” Tôi lắc đầu, bỏ ý nghĩ đó và dừng lại chỗ cuối sân, nhìn ra cổng sắt. Đêm đen ghê rợn trùm phủ vạn vật. Trời tối đến độ tôi không nhận ra cánh cửa cổng. Còn vọng gác thì im sửng trên cao, không biết có còn người gác hay không? Sự im lặng chết chóc khiến tôi hoảng sợ đứng ỳ tại chỗ, không dám nhích tới. Tôi có cảm giác đang bị bao vây, rình rập, dòm ngó từng động tác. Tôi trở gót, theo cửa sau, bước lên phòng khách nhìn quanh quẩn, nơi đây cũng tối om, chỉ có chút ánh sáng của ngọn đèn trên lầu hắt xuống cầu thang cho tôi nhìn rõ nhà dưới trống vắng, không còn người lính phục dịch nào ở đó. Tôi quyết định nghỉ lại nơi đây. Đêm nay nếu có sự kiện gì xảy ra từ phía ngoài vào, tôi sẽ là người đón nhận, hay biết trước tiên. Trong bóng đêm cô tịch, tôi ngồi nhớ lại những việc vừa xảy ra, tất cả nhanh chóng kết thúc, tưởng chừng như một giấc chiêm bao! Sự đời như bọt nước bèo trôi, tụ rồi tan, mới hạnh phúc đó đã tan vở, mới cười vui đó đã ôm ra khóc. Lòng tôi bổng chơi vơi rung động nhớ lại lời nói ôn nhu của Trung Tá Nghiêm, Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chánh Tri Sư Đoàn 21, khi ông giới thiệu một pháp môn tu thiền cho tôi vào những ngày cuối năm 73 tại văn phòng Tư Lệnh ở Chương Thiện. Sự thôi thúc dâng lên kỳ lạ, tôi xúc động ngồi lại ngay ngắn, chắp tay trước ngực, tâm thành khẩn hướng vọng đến đức thầy Lương Sĩ Hằng, xin ông nhận tôi là môn sinh. Từ đó đến nay đã 24 năm trôi qua, không ngờ nỗi đam mê với môn học nầy, tôi vẫn tiếp tục đeo đuổi và tôi tin chắc sự ổn định được đầu óc nhờ hành thiền, đã giúp tôi viết lại bài anh hùng ca nầy một cách tuần tự, rõ ràng, nhớ rõ như mọi chuyện mới vừa xảy ra.
Sau đó tôi nằm xuống và tạm quên được mọi việc và chìm trong giấc ngủ. Lúc tôi trở giấc, trời vẫn còn tối, lòng tôi lại nặng trĩu khi đối diện với thực tại. Tôi bước ra sau, về phòng mình, gắp rút lo việc cá nhân khi thấy kim đồng hồ đã chỉ gần 5 giờ sáng..
Tôi trở lên lầu, gặp Thiếu Tá Thuyên, Phụ Tá Trưởng Phòng Tổng Quản Trị Quân Đoàn, đang đứng cạnh giường Chuẩn Tướng thút thít khóc. Anh vừa mới đến. Như vậy, tin về Chuẩn Tướng trong đêm đã lan truyền ra ngoài. Sự tao ngộ cũng thật vội vàng, ngắn ngủi. Anh rời dinh liền sau đó, lúc trời vẫn còn mờ tối. Đó là vị sĩ quan duy nhứt của BTL/Quân Đoàn đã đến nghiêng chào trước thi hài Chuẩn Tướng. Tôi bàn định cùng bà Tướng lo thu xếp những gì cần thiết mang đi, đề phòng trước, nếu bị buộc phải rời dinh. Thâm tâm tôi nghĩ đến người bạn chí thân hồi cùng ở Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 31, Trung uý Nguyễn Vĩnh Thành. Mấy năm nay Thành đã thuyên chuyển về Sở Hành Chánh & Tài Chánh Số 5 và cùng gia đình đang ở Cần Thơ, nhờ vậy chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau. Hiện tại chắc chắn tôi phải nhờ Thành rất nhiều. Trong lúc chờ trời sáng, tôi bàn với Thiếu Tá Phương là anh đảm trách phần việc tại dinh, còn tôi ra ngoài tìm Thành và đi mua quan tài. Lúc tôi tiến đến cổng chuẩn bị ra ngoài, tôi sững sờ khi thấy thái độ của mọi người, trong ánh mắt của họ, tôi đọc được nỗi hoang mang nghi ngại: Họ đánh giá tôi một ra khỏi đây, không bao giờ trở lại!
Lúc đó gia đình Chuẩn Tướng còn ở trên lầu. Tôi mở hé cánh cổng để vừa đủ đi qua, mắt tôi nhìn thấy Đại Tá C. một trong những Phụ Tá của Tư Lệnh Phó đang đứng nơi công viên Hoà Bình nhìn về phía cổng ra vào. Khi thấy tôi đã nhận ra ông, Đại Tá lật đật rảo bước, may mà tôi chưa kịp gọi ông! Tôi vòng bên trái dinh, theo đường tắt rảo bộ đến nhà Thành. Tôi bổng mừng rở khi thấy Đại Tá Vinh đang hàn huyên cùng với 3-4 người tại trước cổng BTL/Đặc Nhiệm 4 của ông (Chức vụ cùng danh xưng có tính cách điều hành nội bộ của BTL/Quân Đoàn IV do Tư Lệnh đề ra, phần lớn nhằm giải quyết số sĩ quan cao cấp “ối động” tại BTL) Tôi thầm ngợi khen ông trông vẫn tỉnh táo và trẻ trung trong bộ áo quần thường dân. Trong buổi sáng hôm nay, không hẹn mà tất cả chúng tôi đều mặc thường phục, hoà nhập vào lớp thường dân. Gặp được Đại Tá, tôi đặt thẳng vấn đề Chuẩn Tướng đã chết và bà Tướng muốn chôn ông đúng theo lễ nghi quân cách, xin Đại Tá với tư cách một sĩ quan cao cấp, đến gặp họ (CS) để nói giúp. Tôi tưởng đã giải quyết được một gánh nặng to lớn khi Đại Tá Vinh đoan quyết đó là trách nhiệm của ông trong lúc nầy.
Đến nhà cha mẹ vợ Trung Uý Thành, tôi thật sự cảm động khi thấy mọi người trong gia đình đều ùa ra đón tôi. Tất cả đã biết tin Chuẩn Tướng tuẫn tiết, nên rất lo cho số phận của tôi. Tôi kể sơ cho mọi người biết Chuẩn Tướng chết như thế nào, trước đó ông dặn dò điều gì, và tôi đang rất cần được giúp đỡ đễ thực hiện lời uỷ thác của người chết. May mắn là nhà Thành có khoảng sân khá rộng, tôi xin được gởi chiếc Falcon và chiếc jeep sơn màu xanh với số ẩn tế dân sự. Chuyện gia đình Thành chấp nhận giữ 2 chiếc xe giúp tôi giữa lúc đen tối nầy là một hành động can đảm, như chấp nhận một bản án, nếu có người tố giác (mà lúc đó thiếu gì bọn ba-mươi-tháng-tư) Tôi biết như vậy, nhưng trong cơn nguy cấp, tôi không có cách nào hơn, đành phải nhờ Thành. Rất may là những ngày sau đó, khi chúng tôi đã rời Cần Thơ, biết tin gia đình Thành vẫn yên ổn. Viết lại những dòng nầy, tôi luôn ghi nhớ tấm lòng của cả hai bên gia đình Trung Uý Thành đối với gia đình Chuẩn Tướng.
Tôi cùng Thành lên chiếc vespa của anh đi đặt mua chiếc quan tài, rồi trở lại Sở của anh. Do ý của Thành, tôi tìm gặp Trung Tá Bia, Phụ Tá Chánh Sở Hành Chánh & Tài Chánh số 5 để nhờ ông chỉ dẫn và giúp lo việc tẩn liệm Chuẩn Tướng. Ông đang thay Đại Tá Chánh Sở hiện vắng mặt, chờ đợi người của Cộng Sản đến để bàn giao. Trung Tá hứa là ông sẽ đến liền sau khi xong việc ở đây và căn dặn tôi chuẩn bị những thứ gì cho việc tẩn liệm. Tôi cùng Thành hướng xe về phía chợ. Khác với ngày 30-4, buổi sáng hôm nay, 1-5, Thị Xã Cần Thơ thật ồn ào, rộn rịp. Gần như mọi nhà đều có người đổ xô ra đường, có nhiều con lộ bị nghẹt cứng. Dân chúng đi bộ tràn ra cả lòng đường, chúng tôi phải xuống xe dẫn bộ, len lỏi tìm lối vượt qua. Tôi chợt nhìn thấy Trung Uý Việt, Tuỳ Viên Tư Lệnh đang đứng trong sân nhà của Trung Uý Minh, sĩ quan Quân Sử BTL, tôi lật đật kéo Thành tấp vào. Gặp Việt, tôi hỏi ngay tình trạng của Thiếu Tướng Tư Lệnh. Buổi sáng, trước khi rời dinh, một hạ sĩ quan văn phòng đã đến trao cho tôi tờ giấy ghi tên họ của tôi đã “đăng ký trình diện” và cho tôi biết tin Thiếu Tướng Nam cũng đã tự sát. Tôi hỏi lại và được Trung Uý Việt xác nhận điều đó. Anh còn cho biết thêm, xe cứu cấp Quân Y Viện Phan Thanh Giản do anh và Trung Uý Danh gọi đã đến và mang Tư Lệnh về Quân Y Viện trong tình trạng hấp hối. Việt kể, lúc đó khoảng 5 giờ sáng, Thiếu Tướng đang ở dưới hầm, ông bảo 2 tuỳ viên lên nhà, rồi dùng colt tự sát khi ông còn lại một mình. Tôi không tiện hỏi han thêm, vì còn quá nhiều việc để làm.
Xe chúng tôi chạy ngang qua nhà Thiếu Tá Qu., Trưởng Phòng 1/SĐ 21, tôi nhìn thấy Thiếu Tá ngồi sau một cái bàn đặt ở ngoài sân, đang hí hoáy ghi. Một số người đứng vây quanh bàn ông. Tôi vỗ vai Thành bảo chạy chậm lại để kịp đọc được dòng chữ ghi trên tấm bảng đặt sát bàn viết “Nơi đăng ký trình diện nguỵ quân” Tôi ngờ ngợ nghĩ “Như vậy, Th/T Qu. là người do CS cài đặt vào Quân Đoàn ư? Hay ông nhạy cảm, muốn lập thành tích để được là người cách mạng ba-mươi-tháng-tư?”
Ra đến khu chợ, tôi ghi nhận một điều là hầu hết các tiệm ăn đều chật cứng thực khách. Lúc đó tôi bổng thấy đói và nhớ ra từ đêm qua tôi chưa có thứ gì vào bụng. Tôi cùng Thành tìm chỗ ngồi để ăn sáng. Tiếng cười nói trao đổi giữa thực khách vang lên ỏm tỏi. Có 2 người khách ngồi cùng bàn với chúng tôi, nói với nhau:
- Ăn cho đã! Ngày mai biết còn xài tiền được nữa không?!…
Tôi để Thành ngồi tại quán, một mình đi sâu vào chợ. Mắt tôi choáng ngộp với toàn màu đỏ: Cờ cộng sản cùng những cây vải đỏ bày bán khắp nơi. Dân chúng nơi đây quả đã sớm hội nhập với hoàn cảnh mới! Tôi mua các thứ trà, nhang, đèn cầy, vải liệm… rồi trở ra cùng Thành phóng nhanh về dinh.
Quan tài đã được đem đến và được đặt trên 2 giá gổ chính giữa nhà. Tôi hơi phập phồng khi thấy có 2 cán binh cộng sản miền Nam đang trên vọng gác. Họ không đả động gì tới bên trong dinh. Hình như họ được lệnh chỉ ở đó mà thôi? Có lẽ thấy yên tâm phần nào, bà Tướng nói với tôi và Thiếu Tá Phương, ý bà dự định quàng lại 3 ngày. Tôi thấy cổ áo quan cũng “khiêm tốn”, nên bàn với Thành đến Quân Y Viện Phan Thanh Giản tìm xin bộ ny-lông. Tôi muốn nhân dịp nầy để biết đích xác tình trạng của Thiếu Tướng Tư Lệnh. Xe chúng tôi tới cổng Quân Y Viện, lác đác còn vài thương binh đang khập khễnh cùng thân nhân hối hả ra cổng. Khi vào sâu bên trong, tôi nhận ra nơi đây im lìm, trống vắng. Y-sĩ, nhân viên lẫn thương bệnh binh… đều đã rời viện tự bao giờ rồi. Một ít thương binh tôi còn gặp có lẽ vì thân nhân ở xa mới vừa đến để đón họ. Duy nhứt chỉ một người đàn ông trạc tuổi tôi còn đứng trong sân cạnh chiếc xe gắn máy của anh. Tôi thầm mong gặp được nhân vật có vai trò đúng như Trung Tá Bia. Tôi liền đến gần và đánh bạo bộc bạch cùng anh việc tôi đến đây. Rất may, tôi gặp đúng người. Anh trao cho tôi bộ ny-lông giấu nơi yên xe kèm theo lời nói:
- Thật may quá, chỉ còn một bộ duy nhứt. Từ sáng tới giờ phát hết rồi!
Tôi hỏi thêm:
- Thiếu Tướng Nam nằm ở đâu?
Anh chỉ Phòng Lựa Thương cách đó chừng 30m và dặn dò tôi coi chừng, đã có chúng nó. Tôi cẩn thận nhìn quanh một lượt. Khi thấy chỉ có 3 chúng tôi, tôi cảm ơn anh, rồi bảo Thành chạy xe đến đậu sát bậc thềm căn phòng, rồi ngồi trên xe chờ tôi. Tôi vừa bước vào cửa phòng là thấy ngay một thi thể được phủ kín bằng tấm drap trắng, chỉ ló ra ngoài 2 chân vẫn còn mang đôi giày da quân đội. Thi hài nằm trên chiếc băng-ca đặt trên 2 giá sắt cao gần 1m. Một chiếc bàn nhỏ đặt trước đầu băng-ca, trên có một lon nhôm đựng cát dùng thay bát hương, một hộp quẹt diêm và một thẻ nhang nhỏ đã bốc ra. Trong Phòng Lựa Thương vắng ngắt . Tôi đoán chắc đây là thi thể của Thiếu Tướng Tư Lệnh. Tôi bùi ngùi mục kích nỗi cô độc của ông. Tôi bước tới đưa tay kéo nhẹ tấm phủ trên đầu để được nhìn thấy gương mặt Thiếu Tướng hiền từ như người đang ngủ. Một vết đạn khoét từ thái dương trái trổ một đường kính cỡ trái chanh nơi thái dương phải, vệt máu đã thẩm đen chạy dài từ đó xuống gò má, đến cổ và động lại trên bâu áo phải làm lem lấm 2 ngôi sao thêu màu đen. Bộ quân phục chiến đấu vẫn trên người Thiếu Tướng đến giây phút cuối cùng. Tôi đốt một nén hương cặm vào lon cát đã có 3 chân nhang của ai đó đã đến đây trước tôi. Tôi kéo tấm vải phủ lại như cũ, rồi lặng lẽ rời Quân Y Viện, với nỗi lòng thật nặng nề, mệt mõi như người bệnh. Giờ phút cấp bách nầy, tôi không thể làm gì hơn được cho vị Tướng Tư Lệnh kính quí!. Nhưng tôi hy vọng quí vị quân y sĩ của Quân Y Viện sẽ không bỏ mặc Thiếu Tướng. Tôi trở về dinh để chờ đón Trung Tá Bia. 20 phút sau Trung Tá đến.
Sau lớp vải liệm là đến chiếc túi ny-lông ôm chặt thi thể Chuẩn Tướng. Chúng tôi đưa thi hài xuống nhà dưới. Trung Tá Bia bảo tôi nâng phần đầu. Lễ tẩn liệm đơn sơ, nhanh chóng do Trung Tá Bia chỉ dẫn thực hiện. Tôi đứng ở đầu quan tài lặng nhìn Trung Tá Bia điều khiển mấy người lính trong dinh làm động tác cuối, từ từ đậy nắp áo quan.
Bổng có tiếng la lớn uất nghẹn:
- Trời ơi!… Ông “thầy” ơi!
Rồi bóng một người lao đến bên quan tài, anh xúc động gần như quị xuống. Tôi nhận ra đó là Thiếu Tá Lương Văn Lành (Cựu Thiếu Sinh Quân), Tiểu Đoàn Trưởng 3/33. Tiểu Đoàn của anh sáng nay cũng đã tuân lệnh giải giáp, giao vũ khí, cởi bỏ quân phục tại chỗ, rồi từ trong vùng hành quân lội bộ ra lộ, mạnh ai nấy tự tìm phương tiện về nhà. Thiếu Tá Lành được tin cái chết của Tướng Hưng nên tìm đến tư dinh. Anh xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân, sau khi rời quân trường, về Tiểu Đoàn 2/31 cuối năm 1968. Do đã từng phục vụ dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Lê Văn Hưng, thuở đó là Trung Đoàn Trưởng 31, nên anh vẫn nhớ và kính quí vị “thầy” của mình…
Đúng lúc đó Trung Uý Phúc xuất hiện. Anh cùng vợ con đáp xe đò từ Sài Gòn xuống tới. Mọi việc xong xuôi, Trung Tá Bia từ giã chúng tôi để về nhà gặp gia đình. Từ hôm qua, 30-4, tên ông vẫn còn nằm trong sổ cấm quân ban hành từ hơn 1 tuần nay của BTL/Quân Đoàn. Một người lính vào nói nhỏ cho tôi biết một nguồn tin rất bất lợi cho chúng tôi. Do vậy, tôi, Phúc và Thiếu Tá Phương thuyết phục bà Tướng nên an táng ngay cho ông và rời dinh càng sớm càng tốt. Chúng tôi phân chia công việc cho nhau: Phúc cùng vài nhân viên đến khu đất nhà ở Cái Răng lo đào huyệt. Phần tôi lo xe tang. Thành đưa tôi đến Hội Mai Táng Từ Thiện của Hiệp Hội Xe Đò Cần Thơ. Rất may cho chúng tôi là người đại diện cho Hiệp Hội chấp thuận, dù biết đó là đám tang của một vị Tướng. Ông cho biết là phải lo cho đám tang khác lúc 15 giờ. Vậy chúng tôi cần phải chuẩn bị sẵn sàng, lúc xe tang đến là phải di chuyển liền.
Từ lúc đó cho đến khi xe tang xuất hiện, chúng tôi thu xếp mọi thứ đem theo để khi rời dinh sẽ không trở lại nữa. Riêng phần gia đình Chuẩn Tướng, buổi sáng sớm sau khi gặp Thành tôi đã trở về hướng dẫn xe Falcon và xe jeep dân sự đến gởi bên nhà Thành rồi, với số hành lý chứa trong cóp sau xe.
Giờ phút trôi qua chậm chạp với nỗi lo lắng chờ đợi của tôi. Từ 16 giờ tôi bắt đầu sốt ruột, bứt rứt không yên. Mảng nắng chiều vàng vọt còn cố níu lại trên đỉnh tàn sao cao ngất. Đúng lúc tôi đang bối rối với chút mong manh hy vọng, bổng có tiếng ồn ào, rồi cánh cửa cổng mở toang. Chiếc xe tang đen ngòm đưa phần đuôi trườn vào sân. Các nhân viên trên xe nhanh nhẩu nhảy xuống chạy vào nhà. Đã chuẩn bị sẵn, chúng tôi cùng họ đưa quan tài lên xe. 5 phút sau tất cả chúng tôi bắt đầu rời dinh. Anh Phương, Phúc và tôi cùng gia đình bà Tướng ngồi trên xe tang. Thành và những nhân viên khác dùng phương tiện riêng chạy theo sau xe tang. Lúc xe rời cổng lớn một đoạn, tôi nhìn lại thấy có nhiều người chạy ùa vào dinh. Vĩnh biệt tất cả, vĩnh biệt cả con chó berger chúng tôi đau lòng phải bỏ nó lại!… Xe quẹo ra đại lộ Hoà Bình để hướng về Cái Răng.
Tại huyệt mộ, một cậu bé trạc độ 14 tuổi, nhưng đôi tay thật thông thạo, nhịp nhàng với miệng hô khẩu lệnh điều khiển lên xuống đòn tay, rút dây khéo léo, đưa êm thắm quan tài đến đáy huyệt. Họ nhanh chóng phụ giúp chúng tôi lấp đất và đấp vung lên thành hình ngôi mộ. Chúng tôi ngậm ngùi chào từ biệt Chuẩn Tướng, để lại mình ông đơn độc như cố Thiếu Tướng Nam mà tôi đã gặp vào buổi sáng.
Chúng tôi về đến Cần Thơ thì trời đã tối. Bà Tướng và gia đình cùng Thiếu Tá Phương, Trung Uý Phúc đến nương náu tại một ngôi chùa. Sau nầy chính các vị sư ở đây đã giúp xây mộ cho Chuẩn Tướng. Tôi về nhà Thành để trông coi 2 chiếc xe. Chúng tôi hẹn gặp nhau lúc 8 giờ sáng ngày mai, 2-5, để về Sài Gòn. Tôi khẩn khoản yêu cầu Thượng Sĩ nhất Triệu, tài xế xe Falcon, cố gắng giúp đưa gia đình bà Tướng về đến Sài Gòn, một lần nầy nữa thôi. Buổi tối, tôi mở tất cả va-li trong cóp xe ra kiểm soát lại, đem thiêu huỷ tất cả hình ảnh binh bị của Chuẩn Tướng. Ban chiều tôi đã trình bày cùng bà Tướng là không nên giữ lại những gì sẽ có hại cho gia đình bà, trên đường về không biết bất trắc ra sao. Hơn 10 giờ đêm, tôi vào giường thao thức không ngủ được. Tôi lo nghĩ đến chuyện di chuyển ngày mai. Nếu vì bất cứ lý do gì, người tài xế vắng mặt, thì tôi phải đảm trách phần việc khó khăn nầy của anh. Tôi chỉ từng lái xe jeep mà chưa từng lái chiếc xe tương đối cồng kềnh nầy, khó khăn nhứt là lúc lên xuống phà. Chiếc jeep giao cho Thiếu Tá Phương, Trung Uý Phúc và gia đình.
Buổi sáng 2-5, tôi vô cùng mừng rỡ và cảm động khi thấy Thượng Sĩ Triệu xuất hiện. Không chỉ riêng chúng tôi mà người hạ sĩ quan già nầy, trong thời gian chờ giấy xuất ngũ, vẫn tận tuỵ với Chuẩn Tướng đến giờ phút hiểm nguy nhất. Đêm qua, khi về đến nhà Thành, Trung Sĩ Sao, cận vệ của Chuẩn Tướng mới bịn rịn từ giã tôi ra bến xe để về với gia đình chắc chắn đang rất trông chờ anh.
Không biết có còn dịp gặp lại nhau nữa không, tôi nghẹn ngào chia tay người bạn tâm đầu ý hợp và gia đình Trung Uý Thành rồi lên xe đến điểm hẹn. Xe tôi đi đầu, xe Phúc theo sau, bắt đầu xuống phà Cần Thơ trực chỉ Sài Gòn. Chúng tôi cùng chung tâm trạng mong nhanh chóng rời khỏi nơi đây. Qua bên kia bờ, mới đi được vài cây số, xe tôi gặp một toán cộng quân miền Nam đứng rải trên đường chận lại xét hỏi. Nhờ vậy xe Phúc thoát qua lọt. Một nữ cán binh, có vẻ là Trưởng Toán, cổ quàng khăn rằn, biểu tượng cán binh miền Nam, vai mang chiếc radio nhỏ đang phát vang rền một bài ca vọng cổ. Cô ta tiến đến bảo tôi mở cửa xe. Thấy chiếc va-li, họ lôi xuống bảo mở ra xem. Trong đó chỉ toàn là quần áo. Tôi mừng thầm là họ không khám phá ra chỗ cóp xe. Đến lượt cái bóp tay của bà Tướng, trong đó có một xấp tiền độ một trăm ngàn. Tôi choáng váng khi thấy cô ta lôi ra một xấp hình. Cô ta chú mục từng tấm một. Toàn là hình ảnh của Chuẩn Tướng mặc quân phục tại chiến trường. Có tấm chụp chung với cố vấn Hoa kỳ nữa. Không kịp trấn tỉnh, tôi trả lời họ đây là vị Tướng đã chết rồi. Thế là họ ra lệnh bắt giữ bà Tướng và tôi với những tang vật đó. Trong lúc rộn ràng, tôi lấy cớ đến đóng cửa xe, rồi ra dấu bảo tài xế rồ máy chạy đi, mặc bà Tướng và tôi tự lo liệu sau. Tôi hy vọng, khi không thấy xe tôi, Phúc sẽ dừng xe lại chờ.
Chúng tôi bị đưa về BChH quận Bình Minh hiện do cộng quân chiếm giữ. Cùng chung số phận bị bắt còn có đôi nam nữ tuổi trạc 20-25 với lý do khá ngộ nghĩnh: Họ mang theo người số tiền gần 40 ngàn mà không có… “đăng ký”! Tại BChH quận, nữ cán binh áp giải chúng tôi đứng ra “tố giác tội trạng” chúng tôi trước hơn chục dân chúng hiếu kỳ, tính tình vốn chất phác của người miền Nam, họ chưa quen hình thức “đấu tố” nầy, nên chỉ trố mắt đứng nghe. Thao thao đã mồm rồi cô ta giao cả 4 chúng tôi cho một ông già, nói là cô cần đi dùng cơm trưa. Trong phòng bây giờ chỉ còn lại một nhân viên nầy. Tôi thầm khấn nguyện vong linh Chuẩn Tướng độ trì cho chúng tôi sớm rời được nơi đây. Một lát sau, bổng dưng ông già trông giữ chúng tôi đem giao trả mọi thứ và cho chúng tôi đi. Có lẽ ông ta không phải là cộng sản chính cống. Chúng tôi lập tức lên xe thồ ra quốc lộ đón xe đò hướng về Vĩnh Long. Ngồi yên trên xe đò rồi, tôi lần dò kiểm lại các thứ: Mặc dù số tiền vơi đi, nhưng tôi vẫn hoàn lại đôi nam nữ số tiền họ bị mất trắng. Trước đó tôi đã thầm ước nguyện có mất tiền cũng được miễn sao được tự do thì thôi.
Trên chuyến xe đò ọp ẹp, chật ních người, nhưng ai nấy đều biểu lộ nỗi rạng rỡ, sung sướng. Họ cùng nhau phát biểu ca tụng cảnh hoà bình hôm nay, tha hồ đi suốt từ Nam chí Bắc… Thậm chí có người còn không tiếc lời chê bai, nguyền rủa đội quân trước đây đã từng bảo vệ họ. Tôi lơ đãng nhìn qua cửa hông xe, ngắm cảnh đồng ruộng bên ngoài, nhưng những âm điệu trong xe vẫn nhức nhối lọt vào tai. Cảnh vật vút qua như dòng đời trôi chảy. Tôi nghĩ ngợi mông lung đến một ngày không xa, năm mười năm nữa, có còn chăng cái vẻ “hồ hỡi phấn khởi” hôm nay? Sống và chờ xem!
Chúng tôi về tới Phú Lâm gặp Phúc đang đứng chờ. Xe Phúc đã đợi gặp xe Falcon và cùng nhau về đến Sài Gòn an toàn. Tuy vậy, chiếc xe jeep cũng bị giữ lại và bị “sung vào tài sản của nhân dân” khi gần đến Mỹ Tho.
Rốt cuộc chúng tôi cũng đến được Sài Gòn đông đủ. Ngày hôm sau đến lượt chiếc Falcon cũng rời chúng tôi, lại bị “sung vào tài sản nhân dân”!? . Người tài xế nhắn lời từ giã để trở lại Cần Thơ trong lúc tôi vắng nhà.
Khi bà Tướng cùng gia đình tạm có chỗ ở cũng là đúng lúc tôi phải vào “trại cải tạo”
Buổi trưa ngày 26-6-75, thời hạn chót, tôi cùng em trai là Trung Uý HquTr, P2/TKh Kiên Giang thu xếp hành trang gọn nhẹ lên đường, chúng tôi rủ thêm vài “sĩ quan nguỵ” cùng xóm, bước vào cuộc đời mới, vào cuộc sống khổ sai trung cổ ẩn dưới cái tên phỉnh phờ “học tập cải tạo”.
Tại trại tập trung, một cán binh mang khẩu AK, mặt còn non choẹt, đứng ngáng tại cổng ra vào, ra lệnh cho mọi người bày biện hành trang ra khám xét. Chúng tôi ngồi xổm trên nền xi-măng với mớ vật dụng trước đôi mắt cú vọ của tên cán binh “con nít còn hôi sữa”. Cảnh tượng đó khiến tôi chua chát nhớ lại lời nói của Chuẩn Tướng đêm 30-4, âm hưởng giờ đây vọng lại hồn tôi rõ ràng từng lời, nhức nhối như từng vết dao đâm: “Nghĩa, tuỳ mầy! Tao đã quyết định đời của tao. Tướng, Tá, hay Uý không là gì cả. Cái quan trọng là sống nhục được hay không?!”
Chúng tôi dành riêng đoạn kết nầy, kính xin phép phu nhân Cố Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng được thay mặt bà để chân thành tri ân gởi đến Hội Đoàn, Quí Tôn Giáo, cùng cá nhân bạn bè kê dưới đây, đã không ngần ngại trước hiểm nguy, tận tình giúp đỡ chúng tôi hoàn tất việc mai táng thi hài Chuẩn Tướng:
- Quí Đại Sư ngôi chùa ở Thị Xã Cần Thơ,
- Hội Mai Táng Từ Thiện của Hiệp Hội Xe Đò Cần Thơ,
- Gia đình 2 bên của Trung Uý Nguyễn Vĩnh Thành,
- Quí vị tiễn đưa,
- Sĩ quan, Hạ sĩ quan, Binh sĩ đã tận tuỵ vì Chuẩn Tướng.
28 – 4 – 1999.
Nghĩa


 
Thiếu Sinh Quân lừng danh Quân Sử 

Ctsq Hà Xuân Thụ

LTS: Ctsq Hà Xuân Thụ sinh năm 1946 tại Thái Bình Bắc Việt và đã theo gia đình di cư vào Nam theo hiệp định Geneve. Năm 1958 theo học lớp đệ thất Trường TSQ Vũng Tàu. Năm 1965 anh cùng 10 bạn TSQ khác thụ huấn K16/ SQHQ ở Nha Trang.
 Sau khi ra trường anh liên tiếp phục vụ trên nhiều chiến hạm. Năm 1974 là Hạm Trưởng Tuần Duyên Hạm HQ610. Đơn vị chót anh phục vụ ở Việt Nam là Trưởng Trại Tị Nạn 14 Phú Quốc, đã coi sóc đến 28,000 đồng bào tị nạn miền Trung chạy đổ về đảo Phú Quốc. Ngày 30/4/75 anh ở Phú Quốc vợ con ở Sàigòn đều qua được Mỹ tị nạn.Từ đó anh rất tin ở luật nhân quả và phải thi nhân bố đức để được ơn trên ban phước.
 Thần tượng của anh là Đức Thánh Tổ Hải Quân Trần Hưng Đạo, CTT Ngô Đình Diệm, CTSQ Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, CTSQ Thiếu Tá Hary Trần Ngọc Huế.
 Anh ngưỡng phục và ủng hộ Hội Thương Phế Binh VNCH của bà Trung Tá Hạnh Nhơn, anh ngưỡng phục các người chống Cộng triệt để như Đại Tá Võ Đại Tôn, Hòa Thượng Quảng Độ và Linh Mục Nguyễn Văn Khải V.V...
Toà Soạn trang trọng giới thiệu bài viết của Anh đến độc gỉa.


I.- Bối cảnh Lịch Sử VNCH

Bất kỳ người Việt nào sống ở miền Nam thời Đệ Nhất VNCH, đều hưởng thụ những sung sướng của an cư lạc nghiệp dưới sự lãnh đạo anh minh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trong giai đoạn đó, 1955- 1963, đất nước đã phát triển thịnh vượng, được độc lập tự do chưa từng có trong lịch sử vì không còn vua chúa hoặc ngoại bang cai trị nữa. 

Hoa Kỳ đã trở thành cường quốc vô địch sau ba chiến thắng vĩ đại là Đệ Nhị Thế Chiến bên Âu Châu, Nhật Bản và chiến tranh Triều Tiên. Bởi vì đất nước không bị tàn phá bởi chiến tranh nên Mỹ còn tồn trữ một lượng vũ khí bom đạn khổng lồ.

Để che đậy Hoa Kỳ tuyên bố cực lực ủng hộ VNCH trong việc chống lại sự xâm lăng của khối Cộng Sản trong cuộc chiến tranh lạnh. Nhưng nguyên nhân chính là bọn tư bản tài phiệt tham lam muốn lấy được thật nhiều tiền của nước Mỹ giàu sụ bằng cách gây ra chiến tranh để xử dụng cho hết lượng vũ khí tồn kho lỗi thời đó, rồi phải gia tăng ngân sách quốc phòng để sản xuất những vũ khí mới cực kỳ tốn kém, điển hình như hàng không mẫu hạm nguyên tử Enterprise, hạ thủy năm 1960 với 5,000 thủy thủ đoàn, hoạt động 20 năm mới cần tiếp tế nguyên liệu  để chạy máy.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm không cho phép Hoa Kỳ đổ bộ lính chiến đấu vào Việt Nam để gây ra đại thảm họa chiến tranh cho nên Mỹ đã mưu mô tổ chức nhiều kế hoạch, bỏ tiền mua chuộc các tướng lãnh VNCH đảo chánh và Dương Văn Minh đã giết chết Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 2 tháng 11 năm 1963. Như tôi đã viết trong báo xuân NTD 2009 rằng tôi không bao giờ quên được ngày trời sầu đất thảm mưa gió suốt ngày đó vì trời cũng khóc thương cho nhà ái quốc Ngô Đình Diệm.

Lịch sử thế giới đã ghi nhận một biến cố lớn tại Dallas, Texas nơi xa cách Việt Nam đến nửa vòng trái đất, Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy bị bắn chết 20 ngày sau đó. Và cựu Tổng Thống Lyndon B. Johnson đã xác nhận khi trả lời Thượng Nghị Sĩ Eugene McCathy rằng: - He (Diệm) was corrupt and he ought to be killed. So we killed him. We all got together AND GOT A GODDAM BUNCH OF THUGS and we went in and assassinated him. Now, we've really had no political stability since then. Xin tóm dịch giòng chữ tội ác như sau: chúng tôi là nhóm trời đánh đã giết chết TT Diệm. Chứng cớ còn rành rành hiện trên YouTube khi gõ vào khung Search giòng chữ LBJ Admits Murder of Diem.

Lúc đó bọn Việt Cộng nằm vùng VNCH bị cô lập với dân chúng, hết đường hoạt động vì  quốc sách Ấp Chiến Lược. Ở miền Trung chúng bị tê liệt vì lực lượng an ninh của ông Ngô Đình Cẩn bắt giam nhiều tên đầu sỏ gửi đi Côn đảo. Sau khi ba anh em TT Diệm bị giết chết, bọn chúng thoát tù Côn Sơn, trở về phá tan tành Ấp Chiến Lược, khủng bố chặt đầu dân làng. Hồ Chí Minh đang khốn đốn tự nhiên được món quà giải thoát to lớn, quá sung sướng nhưng vẫn còn chửi thêm Mỹ đến ê chề nhục nhã: không ngờ bọn Mỹ lại ngu đến như vậy.” khi Mỹ tự giết người bạn nổi tiếng chống Cộng là Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Tiếp đó HCM lén lút gửi bộ đội xâm nhập ngày đêm trong khi chính quyền VNCH bất lực vì thay đổi lãnh tụ Minh, Khánh,Quát, Sửu, Kỳ,Thiệu không ngừng. Hoa Kỳ đã lợi dụng ngay cơ hội ngang nhiên đổ bộ TQLC lên Đà Nẵng,Việt Cộng tố cáo Mỹ xâm lược thế là chiến tranh Việt Nam bùng nổ mà trước đây không thể nào xẩy ra được khi TT Diệm còn sống.

Dân chúng VNCH luôn nhớ ơn Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một lãnh tụ cực kỳ thanh bạch, độc thân trọn đời để tận tụy hy sinh cho đất nước. Chúng tôi vắn tắt liệt ra 7 thành quả vô cùng vĩ đại của Tổng Thống Ngô Đình Diệm:

1.- Chấm dứt chế độ quân chủ của vua Bảo Đại.
2.- Chấm dứt chính sách cai tri của thực dân Pháp
3.- Thành lập chánh phủ đệ nhất VNCH tự do dân chủ
4.- Dẹp loạn Bình Xuyên
5.- An cư lạc nghiệp cho hơn một triệu đồng bào di cư miền Bắc vào Nam
6.- Miền Nam trở nên trù phú thịnh vượng trong vùng Đông Nam Á
7.- Thành lập Ấp Chiến Lược bảo vệ người Quốc Gia và đã cô lập được giặc Cộng

II.- Trường Thiếu Sinh Quân đẹp nhất Việt Nam

Năm 1956 Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho qui tụ các trường TSQ ở Huế, Mỹ Tho,
Đông Dương, Ban Mê Thuột lại thành một. Ngài đã chọn một đồn binh Pháp đẹp nhất nước Việt Nam để ân thưởng và đổi tên thành Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu.

 Lúc bấy giờ người Mỹ không muốn chu cấp ngân khoản cho trường TSQ, nhưng TT Diệm nhất định trích ngân khoản quốc gia để tài trợ nuôi nấng chúng tôi. Suy nghĩ cho cùng mới thấyTổng Thống Ngô Đình Diệm quả rất anh minh và thâm thúy trong việc ban thưởng trọng hậu trường TSQ Vũng Tàu cho chúng ta vì 3 nguyên nhân sau:

1. Tin tức đăng trên Internet cho thấy TT Diệm đã chê bai Đại Tá Đỗ Mậu văn hóa kém không cho thăng tướng nhưng rất kính trọng và tin cẩn Đại Tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu QL/VNCH. Việc ân thưởng này đã làm xúc động mãnh liệt và gia tăng lòng trung thành Đại Tướng Tỵ, con chim đầu đàn của Thiếu Sinh Quân. Hoa Kỳ biết rõ nên mới dám thành lập kế hoạch thảm sát  TT Diệm trong khi  Đại Tướng Tỵ đang chữa bệnh ở Mỹ.

2.- Ban thưởng ngôi trường đẹp và chăm lo ăn học cho con em các chiến sĩ đang phục vụ hoặc đã hy sinh cho tổ quốc làm toàn quân hoan hỉ xúc động và ngưỡng mộ khi thấy TT Diệm là vị lãnh đạo rất thủy chung sáng suốt công bằng.

 Chính cố vấn Mỹ cũng đắm say vị trí tuyệt hảo này cho nên sau khi hạ được TT Diệm , AET chúng tôi bị mất trường TSQ vào tay Mỹ năm 1964. Hoa Kỳ đã sửa sang lại thành trung tâm dưỡng sức hồi phục cho các thương binh Mỹ.  Các phòng sửa sang đẹp đẽ, trang bị giường nệm Mỹ êm ái và trông sang trọng như bệnh viện bên Hoa Kỳ.  Hàng trăm cây dừa và evergreen được mua trồng rất mỹ thuật chung quanh trường và sân đá banh lớn đã làm khung cảnh trường mẹ càng trở nên đẹp rực rỡ huy hoàng như hình chụp đính kèm.

CTSQ Trần Cảnh cho biết ngay sau khi Tướng Nguyễn Khánh đảo chính đã đòi Mỹ trả lại trường để biến thành nơi họp hành nghỉ mát cho các tướng lãnh. Nhưng vị thế  trường TSQ bao giờ cũng chỉ là một quân trường huấn luyện cho một đám đông lính tráng mà thôi làm sao sánh được với lối sống hưởng thụ của tướng lãnh, cho nên vào hè năm 1965 họ đã trả lại trường TSQ Vũng Tàu. Nay đã 55 năm rồi có lẽ trong thâm tâm bất cứ một cựu TSQ nào đều không thể quên được mái trường yêu dấu quá đẹp đã nuôi nấng hàng ngàn TSQ  khôn lớn.

Ân đức TT Diệm ban cho các CTSQ và quân dân quá nhiều, cho nên tôi luôn luôn ngưỡng mộ và kính phục ngài là vị lãnh tụ anh minh hết lòng cho tổ quốc.

3.- Tổng Thống Ngô Đình Diệm biết chắc các TSQ trẻ sau này sẽ là rường cột của đất nước, sẽ thay thế những người theo Pháp như các tướng Nguyễn Văn Hinh, Dương Văn Minh , Trần Văn Đôn v.v.... Bạn cũ HQ, Kỹ sư Nguyễn Đình Sài, lừng danh trong việc hướng dẫn Cộng Đồng Người Việt ở Seattles vây chặt Thủ Tướng Nguyễn Văn Khải năm nào cũng đề tặng bốn câu thơ:

Ngô Tổng Thống anh minh sáng lập
Thiếu Sinh Quân học tập chuyên cần
Đêm ngày rèn chí luyện thân
Tương lai thành những quân nhân can trường

  

III.- Thiếu Sinh Quân lừng danh Quân Sử 

Cuối Thu năm 1965 Nam Hàn gửi Huấn Luyện Viên Thái Cực Đạo đến mọi quân trường VNCH. Rất nhiều em TSQ như cá gặp nước chăm lo luyện tập Tae Kwon Do đã trở thành những võ sĩ huyền đai nhiều đẳng lừng danh, tất cả binh chủng đều ngưỡng mộ các cựu Thiếu Sinh Quân vừa can trường vừa giỏi võ nghệ. Lớp Sĩ Quan Hải Quân 16 chúng tôi có CTSQ Võ Bửu Khai hiện là võ sư đệ tứ đẳng huyền đai sáng lập võ đường bên Úc. Hoặc CTSQ Lai Đình Hợi, Đệ nhị đẳng huyền đai, Biệt Đội Trưởng 22 của liên đoàn 81 Biệt Cách Dù lừng danh quân sử trong trận An Lộc của mùa hè đỏ lửa 1972 là những chứng cớ điển hình.

TSQ Lê văn Ánh cùng chung đơn vị với Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Úc, cọp ba đầu rằn 42 BĐQ, cho biết anh Úc là sĩ quan thăng cấp đại úy nhanh nhất 42 tháng sau khi ra trường Võ Bị. 

Cố Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn cực kỳ nổi tiếng, ông can trường khét tiếng đánh giặc được thăng cấp tại mặt trận nhiều lần. Không thể tượng nổi trong vòng 14 năm ông đã thăng 7 cấp từ Trung Sĩ khi ra trường TSQ 1958 đến cấp Đại Tá trong trận An Lộc 1972. Sau khi TT Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng ngày 30 tháng Tư 1975, sau khi hai tướng tư lệnh chỉ huy Vùng 4 Nguyễn Khoa Nam và Lê Văn Hưng đã tự sát. Nhưng Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn vẫn sát cánh chiến đấu với Trung Sĩ CTSQ Vũ Tiến Quang. Họ bắn cho hết đạn Việt Cộng mới bước nổi vào hầm tử thủ, chúng hạ sát Trung Sĩ VT Quang ngay lập tức.

Đàn anh đa tài CTSQ Trần Đại Sỹ sáng tác một bài viết lừng danh về gương chiến đấu anh dũng gần như huyền thoại của Trung Sĩ AET Vũ Tiến Quang.

Riêng Đ/T Cẩn chúng bắt đi điều tra vì Việt Cộng bao giờ cũng bị bại thua xiểng liểng trong rất nhiều năm trước. Có vô số đại tá và tướng lãnh bị bắt giam sau ngày 30/4 rồi đi tù cải tạo, nhưng riêng với ĐT Cẩn, Việt Cộng cực kỳ căm hận nên đã xây pháp trường xử bắn công khai. Chứng tỏ CTSQ Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn là đệ nhất anh hùng Quân Lực VNCH. Thêm nữa có một biến cố rất đặc biệt trong buổi lễ quốc hận năm 2006, nhiều  CTSQ ở vùng Hoa Thịnh Đốn đã tận mắt chứng kiến Đại tá Cẩn hóa thần hiển linh. Quí vị rất dễ dàng tìm thấy bài tường trình này trên Internet khi gõ vào khung Search giòng chữ:  Đại tá Hồ Ngọc Cẩn hiển linh tại Washington DC

Trường TSQ đã cung cấp cho Quân Lực VNCH hàng ngàn chiến sĩ, nhiều CTSQ đã vinh thăng đến tột cùng như Thống Tướng Lê Văn Tỵ và các tướng Nguyễn Văn Là, Trương Quang Ân, Lý Tòng Bá. Các CTSQ đàn anh cấp tá khác giữ chức vụ Sư Đoàn Trưởng, Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn ,Trung Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng, Hạm Trưởng, Đại Đội Trưởng, Phi công v.v.. nhiều vô số kể.

Riêng lớp bạn chúng tôi  phục vụ Hải, Lục Không Quân được thăng cấp thiếu tá ngay tại mặt trận có Võ Bửu Khai, Ngô Đức Thu, Nguyễn Đình Thật, Phạm Công Cẩn, Nguyễn Trọng Lễ.

Ngay cả những em Thiếu Sinh Quân rất trẻ tuổi từ 12 đến 17 còn đang đi học cũng chiến đấu vô cùng anh dũng đã giết Việt Cộng bảo vệ trường yêu TSQ Vũng Tàu . Được khắp nơi ca tụng đặt tên là trận chiến cuối cùng của VNCH.

Khi lính Mỹ tử trận đã gần tới con số 50,000 và  Hoa Kỳ đã xử dụng số bom đạn khổng lồ trong trận Khe Sanh1968 nhiều hơn tổng số bom đạn dùng trong đệ nhị thế chiến mà không đem lại chiến thắng đã làm dân Mỹ phẫn nộ biểu tình phản chiến dữ dội khiến Henry Kissinger, President Nixon, Walter Cronkite và vô số chính khách tên tuổi đã ma giáo hèn hạ vu cáo Quân Lực VNCH là hèn nhát để rút lui chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Sau ngày 30/4/75 Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng chưng bày những lá thư tuyệt mật cam kết sẽ bảo vệ VNCH chứng tỏ Tổng Thống Nixon đã lừa dối VNCH và Hoa Kỳ khi đã xé bỏ không lưu trữ những văn thơ cam kết đó.  Đúng ra Nixon phải trình bày rõ ràng cho TT Ford trước khi từ nhiệm vì Watergate.

Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng tố cáo làm Nixon và Kissinger nhục nhã vô cùng, khiến Tổng Thống Ford phải chấp nhận cho gia tăng người Việt Nam được tị nạn ở Hoa Kỳ tới gần 200,000 người trong khi tên khốn nạn Kissinger chỉ  muốn 50,000 và hắn đã từng nguyền rủa sao tụi VNCH không chết hết đi cho sớm!!!

Đó là công lao vô cùng to lớn của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã giúp cho Cộng Đồng người Việt Hải Ngoại được to lớn như ngày nay. Chúng ta phải vinh danh và tạ ơn Tiến Sĩ Hưng.

Dần dần những chiến thắng Mậu Thân 1968, An Lộc1972, giải tỏa Quảng Trị Huế được phổ biến rộng rãi. Sau những lời tạ lỗi của đại tướng Westmoreland và lá thư cám ơn Trung Tướng tài ba Ngô Quang Trưởng của đại tướng Norman Schwarzkopf, Jr. đã khiến Hoa Kỳ phải chấp nhận sự thật VNCH rất anh dũng và thiện chiến.

người Mỹ biết ra Quân Lực VNCH đã bị quên lãng qua tác phẩm Vietnam’s forgotten Army. Heroism and betrayal của giáo sư Andew Wiest năm 2008 và bây giờ người Mỹ đã biết đến CTSQ thiếu tá Harry Trần Ngọc Huế anh dũng vô cùng, đã được Thượng Nghị Sĩ James Webb, cựu bộ trưởng Bộ Hải Quân Hoa Kỳ, gọi ông Huế là “anh hùng của những anh hùng (Hero of the Heroes).” Qua một bức thư ngắn của ông David Wiseman chỉ có vài hàng: “Harry, tôi biết anh còn sống. Tôi đã tìm anh 20 năm nay. Tôi sẽ tìm mọi cách đưa anh sang Mỹ. Nếu anh qua Mỹ tôi sẽ giúp. Nếu anh muốn ở lại, tôi sẽ gởi tiền về giúp. Anh còn thích hút thuốc Salem không?” Nhưng sự thực là kỷ niệm chết đi sống lại trong một trận đánh tại phía Nam thành phố Huế vào cuối năm 1968, chính ông Harry TN Huế đã cõng ông Richard Weyand ra thoát, sau khi ông này bị thương trong một bãi mìn.

Quả thật những Cựu Thiếu Sinh Quân anh dũng vô cùng, những công trạng đã làm sáng lòa rất nhiều trang Quân Sử VNCH. Và chúng tôi đã đáp trả rất xứng đáng những công ơn nuôi dưỡng của Tổng Thống Ngô Đình Diêm. Đúng như câu nói cổ xưa : Nuôi quân ngàn ngày sẽ có ngày báo đáp.

Ước mong những sự thật trên sẽ được các nhà viết sử dùng để phán đoán thật đúng Tổng Thống Ngô Đình Diệm là vị lãnh đạo vô cùng ái quốc và sẽ được dân chúng đời đời ca tụng.

Hà Xuân Thụ, 1373.

Ghi Chú của Toà Soạn: Trường Thiếu Sinh Quân chính thức được thành lập tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 11 năm 1899, theo nghị định ký bởi Paul Doumer, Toàn Quyền Đông Dương lúc bấy giờ, rồi đến Tổng Thống Pháp. Ngày 31 tháng 5 năm 1956,  Trường Thiếu Sinh Quân Đông Dương (AET Indochinois du Cap Saint Jacques), giải tán sau khi Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam Cộng Hòa.



Câu chuyện 37 năm

Tự  Truyện

Câu chuyện mà tôi sắp ghi lại đây là những gì đã thực sự xãy ra, vẫn còn rõ trong ký ức, dù cho 31 năm đã trôi qua, thời gian đủ để cho cái thế hệ  của chúng tôi lúc ấy bấy giờ, đến nay  đã ở cái tuổi gần năm mươi, cái tuổi có thể  “tri thiên mệnh”
Cùng với những hồi ức của các bạn khác, những điều tôi ghi lại và mong muốn như một phần bức chân dung  toàn cảnh  tượng của  cái ngày đã   ám ảnh tôi,  ngày oan khiên của dân tộc và cũng là ngày  cuộc chiến đấu  bi hùng của đám trẻ chúng tôi bắt đầu và  cũng để   kết thúc một trang sử bi thảm của dân tộc.
Câu chuyện đã lâu, có thể một vài  chi tiết không được chính xác về giờ giấc, và những sự kiện nhỏ, nó có thể dính líu với những người còn sống hiện nay, ở trong hay ngoài nước. Xin vui lòng lượng thứ cho cái nhìn chủ quan và thẳng thắn. Đối với những người đã chết, xin được như một nén hương thắp lên, dù muộn màng, đã 31 năm quạ

Sáng ngày 29 tháng 4, 1975, trong trường lúc bấy giờ chỉ còn lại các Thiếu Sinh Quân liên lớp 12 và liên lớp 10 ở lại học thị Một số nhỏ các em Thiếu Sinh Quân ở vùng 1, 2 và vùng 4 chưa có phương tiện về nhà và một số Thiếu Sinh Quân chờ ngày ra trường cũng vẫn còn ở lạị Phần lớn, các nhân viên, cán bộ đã bỏ trường, không biết đi đâu!!
Lúc ấy, chúng tôi rất hoang mang và lo sợ vì những chuyển biến dồn dập bên ngoài  và trên radio đang xãy rạ
Khoảng 9 giờ sáng chúng tôi được lệnh ra bến cảng Rạch Dừạ Tất cả bắt đầu di tản trong vòng trật tự, nhỏ đi trước, lớn theo saụ Đi sau cùng là gia đình quân nhân từ  Qui Nhơn di tản vào trường trước đó mấy ngàỵ
Khi đi gần tới Rạch Dừa thì bỗng nhiên  chúng tôi được lệnh phải quay trở về vì Việt cộng pháo kích dử dội vào bến  cảng,  do đó tàu phải nhổ neo đi sớm.
 Sau này, theo như chúng tôi biết được là trường được lệnh di tản vào lúc nữa đêm 28-04-75, nhưng vì Bộ Chỉ Huy nhà trường không có kế hoạch rõ ràng và trung tá Ngô văn Doanh chưa giải quyết được thoả đáng vế các vấn đề tài chánh nên lệânh di tản đã bị chậm trễ.
Chúng tôi trở lại trường trong nỗi thất vọng vô biên, vì nghĩ rằng sẽ không còn cơ hội  thoát khỏi trường một cách an toàn để ra các chiến hạm hoặc quay về với gia đình. Mấy em lớp nhỏ ngồi xúm xít dưới chân cầu thang, lặng lẻ. Có đứa khóc, mắt đỏ hoe, có đứa ôm đầu ngơ ngác.
Khi tôi dến gần chúng thì các em lao xao hỏi han.
- Anh Nghĩa ơi, làm sao em về được với Ba Mẹ em?
- Bây giờ Ba Mẹ em ở đâụ.....?
Tôi ngoảnh mặt làm ngơ, vì thật ra,  chính tôi cũng đang tự hỏi những câu hỏi nàỵ Trong lòng tôi rối bời, đầu óc khô quánh. Mấy em nhỏ này, mới mấy năm trước đây đã rời khỏi gia đình để vào đây học hành,  ở cái tuổi hãy còn thơ dạỵ Hoàn cảnh tang thương đang
xãy đến cho chúng. Ngày mai, việc gì sẽ xãy ra !

Chúng tôi đang đối diện với nhũng khó khăn nhất trong cuộc đời của Thiếu Sinh Quân, sau nhiều năm học tập tại đâỵ
Khoảng 11giờ 30 sáng, một đoàn trực thăng 7 chiếc bay lượn quanh trường. Loa phóng thanh vang lên, kêu bọn chúng tôi tập họp tại sân banh, chờ lệnh di tản. Cảnh hổn loạn bắt đầu xãy ra, các cán bộ nhà trường dành lên phi cơ với các Thiếu Sinh Quân.
Một Thiếu Sinh Quân đàn anh, lớp 12 ra lệnh:
-          - Xếp hàng theo thứ tự, nhỏ lên tàu trước, lớn lên saụ
Lúc bấy giờ tôi tập họp Tiểu đoàn Quang Trung lại ( TĐ của các Thiếu Sinh Quân nhỏ nhất). Thời gian đó tôi đang học lớp 10, thuộc Tiểu Đoàn Lê Lợị
Tay tôi cầm khẩu Carbin M12, chỉ huy việc  xếp hàng lên trực thăng. Cạnh tôi là Chuẩn Uý Cúc (sĩ quan anh ninh) của trường, lấy tư  cách là sĩ quan, đòi lên phi cơ trước. Tôi không chọ
-          - Nếu cải lệnh, tôi bắn.
Nghe tôi quát lên, ông  ta khựng lạị
(Chuẩn Uý Cúc đã có hành vi bất kính và thừa lệnh của một giới chức nào đó, đã nhục mạ 2 vị Cựu Thiếu Sinh Quân đàn anh trước đây mấy hôm)
Chiếc trực thăng đầu tiên bốc được 8 em Thiếu Sinh Quân nhỏ, một cố vấn Mỹ, Trung sĩ Ngộ, rồi cất cánh. Những chiếc còn lại bỗng nhiên cất cánh bay đi trong khi chưa có một ai lên tàụ
Chúng tôi vô cùng hoang mang, lo lắng, sau một giờ chờ đợi không thấy trực thăng trở lạị Việc này  đang xãy ra thế nào, chúng tôi hoàn toàn không biết. Tất cả đều thất vọng, không biết phải làm gì trước tình hình nàỵ Thình lình tiếng loa phóng thanh từ bộ chỉ huy vọng rạ
-          - Đến giờ này, trường hết trách nhiệm với các em, các em nên tan hàng và tìm đường thoát thân về với gia đình ngaỵ
31 năm  đã qua, cái tiếng loa phóng thanh ngày đó vẫn như còn là những âm thanh nhức nhối,  mỗi khi tôi hồi tưởng lại những giờ phút đau thương nàỵ
Chúng tôi là những đứa trẻ mồ côi vì người thân đã hy sinh cho tổ quốc,  hoặc vì cha chúng tôi phải đi quân đội, cuộc sống thay đổi, không nơi yên ổn, nên  chúng tôi  phải xa gia đình vào trường để tìm nơi học hành ổn định. Khi vào trường, chúng tôi đã chấp nhận những vị cán bộ, đàn anh như những người cha chú của mình. Các bạn bè như anh em trong một nhà, cho dù không cùng máu mũ. Ai cũng nghĩ rồi thì mình sẽ phục vụ cho quân đội, cho xứ sở quê hương. Chúng tôi đã được dạy dỗ trong bao năm nay và bây giờ như một đàn gà con mất mẹ, lao nhao, lúc nhúc.
Bây giờ các chú, các anh ở đâủ? Tôi tự hỏị
Ngay cả bản thân tôi cũng chưa đủ tuổi trưởng thành thì làm sao  chúng tôi có thể bảo vệ cho các em nhỏ mới vào trường được.?!!
Bên ngoài, chiến trận đang ác liệt. Người ta đang di tản, Việt cộng pháo kích vào thị xã, thành phố, cùng với những kẻ cướp giựt, hôi củạ Liệu các em nhỏ này có còn cơ hội gặp lại cha mẹ nơi quê nhà hay không.? Đầu óc tôi rối bời, trống rỗng.

Đang hoang mang thì có lệnh của các anh lớp 12.
-          - Thiếu Sinh Quân lớn tập họp các em nhỏ, leo tường sau trường, men theo chân núi, ra bãi trước để tìm tàu di tản.
Dẫn đầu là các anh lớn, chưa đầy 18 tuổị Các em nhỏ theo sau, ngơ ngác. Có em quá nhỏ, đi không nỗi phải dìu đị Tất cả đều đói và khát.
Tony Thắng, Phước già, Liêm, Khúc văn Thắng, và tôi làm toán tiền sát, tìm cách ra Bãi Trước dò la tin tức. Khi chúng tôi đến chùa 135 bậc thì được biết TQLC, ND và những đơn vị khác đang đánh nhau loạn xạ để tranh lên tàu, di tản về Sài Gòn; bởi lúc đó, cầu Cỏ May, cầu Cây Khế  trên đường về Sài Gòn đã bị giật sập.
Một lần nữa, chúng tôi lại thất vọng vì không tìm được lộ trình di tản nào khác. Và đau lòng hơn, khi các đơn vị hào hùng  không còn như tôi đã ngưỡng mộ và trân quý nghĩ  về họ trước đâỵ
Chúng tôi quyết định trở về trường, tìm phương cách khác để thoát thân, và nhất là phải cố gắng bảo vệ các em nhỏ.
Trên đường trở về trường, chúng tôi thu nhặt súng đạn và lựu đạn  được các người  lính bỏ lại rải rác trên đường..
Khi vừa vào tới bờ tường phiá sau trường, chúng tôi bất ngờ nhìn thấy một sự hổn loạn đang xãy rạ Các anh TQLC đang  bắn các con bò của trường, và dân bên ngoài đang tràn vào hôi củạ Một trận đụng độ nhỏ đã xãy rạ
-          - Chúng tôi là Thiếu Sinh Quân, còn đây mà. Xin các anh và bà con cô bác ra khỏi trường.
Chúng tôi lên tiếng với đám đông hổn độn đang hôi củạ
Cảnh tượng thật hoang tàn. Sau hơn một giờ, quang cảnh của trường mới ổn định trở lạị Cũng trong lúc này, một số các anh lớp 12 đã thoát ra ngoài (tin này do anh Nguyễn Liêm cho biết)
Tôi nghĩ thầm, giờ phút này chúng tôi không được do dự gì nữạ Chúng tôi phải ổn định trật tự và phải có hành động rõ ràng.
Tất cả các Thiếu Sinh Quân, sau đó, được dồn hết qua tiểu đoàn Lê Lợị Chúng tôi phá kho súng, phân phát vũ khí cho các Thiếu Sinh Quân nào biết xữ  dụng.
Các Thiếu Sinh Quân lớn đem vũ khí nặng bố trí các điểm trọng yếu tại cổng trường. Các em nhỏ khuân vác đạn, tiếp tế cho đàn anh. Phần tôi, xữ dụng trung liên BAR, đặt tại Bộ Chỉ Huỵ
Trong trường, cho đến lúc ấy, về phía cán bộ chỉ có anh “Hoành heo” là cán bộ “nhà bàn”. Tôi không nhớ anh Hoành họ gì, cấp bậc gì, vì hàng ngày anh mặc áo thun làm việc trong nhà bàn, lau chùi, dọp dẹp. Tôi thường thấy anh xuống bếp nấu nướng. Tánh anh hiền lành, lúc nào cũng cười và hay cho chúng tôi cơm cháỵ Có lẻ vì anh làm ở nhà bàn nên anh có biệt danh là “Hoành heo”. Lúc nằm phòng thủ trên BCH, tôi hỏi anh Hoành sao anh không về với vợ con. Anh bảo, nhà ở xa lắm, về không được, về đó mai mốt trở lên, bị báo cáo đào ngũ, rồi đi đơn vị tác chiến, khổ lắm.
Câu trả lời quá chân thật của anh làm tôi vô cùng cảm kích.

Theo lệnh của Thiếu Sinh Quân Trịnh minh Thắng (Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Thiếu Sinh Quân), các Thiếu Sinh Quân lớp 10, 12 lo việc canh gát, phòng thủ, các Thiếu Sinh Quân nhỏ đi ngũ, khi cần sẽ có lệnh saụ
Lúc 5 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 04-75, anh Hoành đứng trên lầu BCH, la lớn một cách thất thanh :
-          - Việt cộng đến trước trường rồi!
Sau đó không lâu, Việt cộng bắt đầu tấn công vào trường.
Thiếu Sinh Quân Dũng (lớp 12), phụ trách khẩu đại liên M60 tại BCH, anh Sáng (lớp 12) và vài anh khác, bố trí một cây đại liên khác tại ban quân số. Tôi giữ cây trung liên BAR, án ngữ trên lầu BCH. Chúng tôi phối hợp hoả lực, chống trả những cuộc xung phong của Việt cộng
Đang lúc  đạn bay tứ tung, thình lình một trái B40 bắn vào cổng trường, làm cánh bên phải xập.
-          - “Nghĩa đại hàn” bị trúng đạn rồị
-           - Không sao đâu, không sao đâụ Tôi trả lờị
Tôi chụp lấy cây M72, định bắn vào toán bên trái của Việt cộng  đang tiến vào cổng trường.
     - Đừng bắn, đừng bắn. Đàng sau mày là vách tường mà.
Tôi chợt dừng lại vì nhớ ra mình đang núp trên lầu, phiá sau tôi là vách tường, không thể tác xạ M72 được.
Lúc đó, từ hai vị trí M60, chúng tôi bắn ngăn cản không cho địch tiền sát đến cổng trường.
-          -  Mầy không núp, chết bây giờ đó Nghĩạ Bắn từ từ, coi chừng hết đạn. Anh Trịnh minh Thắng hét lớn.
Trong lúc hai bên nả đạn vào nhau thật ác liệt thì các em Thiếu Sinh Quân nhỏ, mười hai, mười ba tuổi, tải đạn cho chúng tôi bằng cách để các thùng đạn trên những chiếc mền và kéo lê trên đất vì các thùng đạn quá nặng khiến  các em không thể khiêng được.
 Hai tai tôi lùng bùng qua những tiếng nổ của các loại đạn, và hình như tôi cảm thấy không còn sợ hải lúc đó.
 Thình lình một trái B40 nổ gần tôi làm cho chiếc bê rê tôi rớt xuống. Tai tôi ù đi và đầu cảm thấy choáng váng. Thằng  Tâm văng lại gần tôi nhưng không bị thương gì hết.
Đang lúc say sưa nổ đạn, một tên Việt cộng bò cặp theo tường và bắn vào bên trong, làm anh Trịnh minh Thắng bị thương. Lập tức anh được đưa về phía sau để băng bó.
Bổng dưng mắt tôi hoa lên, đầu đau nhức dữ dội ( có lẽ do sức ép của trái B40 vừa rồi) Hai tay tôi ôm lấy đầụ Thấy vậy, Thắng Tony và Tô hoàng Phước dìu tôi xuống lầu và băng qua sân banh.
Đang khi di chuyển thì một trái B40 khác nổ cách chúng tôi khoảng 10 mét. Chúng tôi kiểm soát lẫn nhau và không thấy đứa nào bị thương, chỉ có choáng váng, nghẹt thở và tức ngực mà thôị
Lúc này ở BCH đã thiếu mất một tay súng khi tôi di chuyển nên có một Thiếu Sinh Quân lớp 12 chạy lên thay thế tôị 
Tiếng súng nổ thưa dần, các khẩu đại liên nổ cầm chừng vì sợ hết đạn, và các Thiếu Sinh Quân trên BCH chắc chờ cho bọn Việt cộng đến thật gần mới bắn.
Đến 11 giờ trưa ngày 30 tháng 04 năm 1975, bọn Việt cộng  dùng loa gọi chúng tôị
- Các anh hãy đầu hàng đi vì miền Nam đã được giải phóng rồị
Một tràng đại liên và những trái đạn M72 đồng loạt trả lời chúng, rồi không khí trở nên im lặng.
Có lẻ bọn Việt cộng  đang muốn dò xem những vị trí đặt vũ khí của chúng tôi hoặc bọn chúng đang nhận lệnh gì từ cấp trên mà chúng tôi không rõ. Thời gian như ngưng đọng lạị Khoảng 30 phút sau, bọn Việt cộng lại dùng loa kêu gọị
- Chánh phủ miền Nam chịu hoà giải rồi, hoà bình rồị Ai ở đất đó. Nếu các anh chịu hoà giải, hãy bỏ súng xuống và kéo cờ trắng lên, chúng ta sẽ nói chuyện.

Vì biết không thể nào chiến đấu thêm được nữa, chúng tôi họp lại lấy quyết định đầu hàng.
Minh “xe be” tức giận, cầm cái quần màu trắng (quần thái cực đạo) quơ lia lịa và cười hô hố, một cách ngạo mạn  như thách thức bọn VIỆT CỘNG.
Có lẻ căm tức chúng tôi nên bọn chúng bắn vào BCH một trái B40 nữạ
Minh xe be vội chạy vào phòng hệ thống tự chỉ huy để bàn với các anh lớp 12 và sau cùng, nó kéo cờ đầu hàng bằng một tấm trải giường màu trắng.
Sau này Minh xe be kể lại với tôi rằng,  anh Hoành ôm nó và nói:
- Bây giờ anh không còn có dịp nấu cơm, dọn bàn cho mấy em nữạ Mấy em ráng đùm bọc lẫn nhau mà thoát thân.
Anh Hoành khóc và chạy vội về hướng Tiểu Đoàn Quang Trung. Từ đó đến nay, chúng tôi không gặp lại anh nữạ Không biết có ai đã gặp lại anh hay không?!!
Nhiều năm đã trôi quạ Mỗi năm, khi gần đến ngày mất nước, 30 tháng 04, tôi lại mường tượng ra cái hình dáng mập mạp và dễ thương của anh, cũng như những lời nói của anh trong những giờ phút sau cùng nơi trường mẹ. Tôi muốn viết để vinh danh và cám ơn anh.
Trong quân đội, anh chỉ là một quân nhân có cấp bậc thấp  và anh đã phục vụ chúng tôi về ẩm thực hàng ngày, nhưng trong cái giờ phút đau thương nhất, giờ phút cuối cùng và bi hùng nhất, anh đã ở bên chúng tôị Anh không biết chiến thuật, chiến lược là gì, kể cả việc xữ dụng súng đại liên anh cũng không biết. Trong thâm tâm, tôi vẫn coi anh là người anh can đảm và là thần tượng của tôi bởi vì trong suốt gần hai ngày chiến đấu, anh vẫn ở bên cạnh chúng tôị
Chúng tôi bỏ vũ khí tại chỗ, kêu gọi các Thiếu Sinh Quân tập họp tại sân cờ để bàn giaọ Bọn Việt cộng tràn vào, mặt đàng đằng sát khí, tay lăm le súng, như muốn bắn vào đám “con nít” chúng tôị
- Hồi nãy mấy bắn chết tụi nó mấy thằng, thế nào tụi nó cũng tìm ra mầỵ Thắng Tony và Tô hoàng Phước kề tai tôi nói nhỏ.
- Thằng áo đỏ hồi sáng bắn trung liên ở trên lầu kia đâu rồị Một tên Việt cộng mặt mày hầm hầm, quắc mắt hỏi chúng tôi và tay chỉ về hướng BCH.
- Chúng tôi không biết.
Tôi hú hồn, vì hồi sáng trong lúc bắn nhau với tuị Việt cộng tôi mặc áo đỏ. Sau khi buông súng, Thắng  và Phước đè tôi xuống, cởi áo tôi và vùi xuống cát. Khi đó, tôi định giử cây súng Colt lại để đổi mạng với chúng nó nhưng tụi thằng Phước không chọ
- Chúng mày là ai mà dám đánh nhau với Cách mạng?
- Chúng tôi là học sinh. Mấy anh lính bắn nhau với mấy ông, chạy hết rồị
Lúc này, các anh lớp lớn, khỏe mạnh đã lanh lẹ, trèo tường trốn thoát. Trong trường còn lại vài đứa lớp 10 chúng tôi và khoảng chừng 70 em nhỏ. Chúng tôi bị bọn Việt cộng hạch sách, chưởi bới và hăm dọa đòi bắn.
Sau một hồi  hỏi han không kết quả, bọn Việt cộng dẫn chúng tôi sang trại Cô Giang để chúng dễ kiểm soát trường.
Chúng tôi lầm lũi ra đi trước họng súng của kẻ thù, còn nồng mùi thuốc súng qua trận giao tranh trong ngàỵ Quay nhìn lại cổng trường lần chót, hình ảnh các dãy bâtiment mờ ảo phía sau, lẫn trong những tàng cây phượng, tôi biết rằng  đây là lần chót tôi có thể nhìn lại hình ảnh của ngôi trường thân yêu trước khi nó đổi chủ. Một niềm uất hận dâng trào làm cho nước mắt tôi ứa rạ Ngôi trường thân yêu mà cách đây vài năm tôi hăm hở bước vào với niềm tin yêu phới phới, giờ đây tôi phải cúi đầu bước ra khỏi  nơi đã từng ghi lại những kỷ niệm của bọn chúng tôi, mà không biết bao giờ mới có thể quay trở lạị
Đang miên man suy nghĩ, chợt một tên Việt cộng chỉa súng vào tôi quát lớn.
- Đi nhanh lên nàọ
Tôi im lặng, lê bước qua trại Cô Giang trong nghẹn ngào và cảm nhận được nỗi đau của kẻ thất trận. Đến trại Cô Giang cùng với một số các em nhỏ, tôi suy nghĩ không biết phải làm sao để chúng tôi vượt ra bên ngoàị Một lần nữa, tôi  nguyện thầm trong lòng những lời mà ngày hôm qua tôi đã khấn vái khi đi qua nghĩa địa, trên đường ra bãi trước.
- Đàn anh khuất mặt, có linh thiêng hãy chỉ dẫn cho tôi dìu dắt tụi nhỏ này về với cha mẹ chúng.
Tôi cầu nguyện  trong lòng và nhìn lại từng khuôn mặt của  mấy đứa nhỏ. Số phận của chúng tôi lúc ấy thật là bi đát.
- Mấy anh, bây giờ mình phải làm gì?
- Giúp tụi em về với Ba Mẹ em nhạ
Nghĩa ơi! Cách đây mấy tiếng đồng hồ, thằng Nghĩa Đại hàn này đã chiến đấu không sợ chết, cùng với anh em hăng say tử thủ trường Mẹ. Những viên đạn của Việt cộng không làm cho mầy sợ hải, vậy mà bây giờ mầy ôm mặt khóc trước mấy thằng em bơ vơ lạc lỏng này saỏ Nước mắt tôi ràn rụạ Hình ảnh truớc mặt chập chờn. Tôi cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng, không biết phải làm gì.
Màn đêm buông xuống, cảnh vật càng thêm thê lương và ngột ngạt. Tất cả chúng tôi, lớp đói khát, lớp mệt nhoài, có đứa đã nằm lăn ra ngũ ngon lành. 
Đêm đó, do bọn Việt cộng đã lơ là,  hoặc có thể bọn chúng coi chúng tôi còn nhỏ quá, nên chúng tôi đã tìm cách trốn thoát được ra bên ngoài và lần mò đi về hướng Bà Riạ. Chúng tôi đi bộ tới  trưa thì đến cầu Cây khế. Cầu đã bị xập, không có cách gì để qua sông, ngoại trừ những người bơi xuồng nhỏ đưa người sang sông. Chúng tôi không có tiền, nên đã gạt người bơi xuồng và trả cho ông ta vài cây Ruby quân tiếp vụ mà chúng tôi nhặt được trước khi rời trại Cô Giang.
Khi đến cầu Cỏ May, tình trạng cũng tương tự. Người ta chen chúc, la ó, dành nhau xuống ghe, xuồng để qua sông. Bọn du kích địa phương tại đây đã khám xét, tra hỏi không cho người di tản tràn vào Bà Rịạ.
Chúng tôi bàn với nhau, chia thành từng nhóm nhỏ, tìm cách đi về Sài Gòn; bởi vì, nếu đi đông thì rất dễ bị phát giác là Thiếu Sinh Quân và rồi chuyện gì sẽ xãy ra đây!!
Hai ngày sau, qua những chặng đường gian nan, tôi cũng đã về tới Sài Gòn. Cô Dượng tôi nhìn hai bàn chân sưng vù và chảy máu của tôi, vừa khóc vừa mừng.
- Như vậy cũng không sao đâu con. Còn sống là được rồị
- Nhưng không biết mấy đứa nhỏ ở vùng I, vùng II ra saọ Tôi buồn bả nói với cô dượng tôị



Có một lần, cách đây khoảng 15 năm, tôi gặp một thanh niên trạc độ 30 tuổi tại một ga xe lửa, trên đường ra miền Trung. Anh ta nhìn tôi chăm chăm một hồi rồi hỏị
- Xin lỗi, có phải anh là Nghĩa Đại hàn hay không?
- Sao chú biết tôỉ
- Em là Tùng, Thiếu Sinh Quân đây nè.
Hai anh em kéo nhau ra chổ vắng nói chuyện. Hùng kể cho tôi nghe:
-          Khi mấy anh chia tay với tụi em, bọn em bốn đưá ở Quảng Trị cùng đi với nhaụ Chờ đến tối, bọn em lội qua sông không mấy khó khăn.. Trời tối, bụng đói cồn cào, khô cổ vì khát nước, bọn em đi không nổi nữa đành phải nằm thiếp đi ngoài bờ ruộng, cách cầu Cỏ May khoảng nửa cây số. Tờ mờ sáng thức dậy, tụi em mới biết gần đó có mấy anh địa phương quân nằm chết. Tụi em bậm gan, liều mình đến đó để lục soát. Các anh này có lẻ chỉ mới chết hồi chiều hôm trước, trên đường rút luị Trong ba lô, tụi em lục thấy còn gạo xấy, thức ăn quân tiếp vụ và có cả Basto nữạ Lục lạo kỹ một lúc, tụi em gom được khoảng gần 50 ngàn đồng. Tụi em trở ra đường lộ, tìm coi có anh em mình không để chia phần “chiến lợi phẩm”, nhưng không thấy anh em nào cả. Bọn em ăn dè xẻn, và chi tiêu cầm chừng số tiền đã lấy được.....
Khi Tùng kể đến đó thì văn phòng nhà ga phát loa, gọi hành khách lên tàụ Chưa hỏi hết nhữõng chuyện tôi muốn biết thì Tùng đã vội vàng từ biệt tôị
Băng qua đường tìm vào quán cốc, tôi kêu ly cà phê uống mà lòng bùi ngùi, ngồi lặng lẻ, nhớ lại những gì Tùng mới kể cho tôị
Tôi muốn thắp một nén hương trong lòng để tri ân các anh Địa phương quân đã nằm xuống bên cầu Cỏ May, những người lính đã bảo vệ xã ấp, thôn làng, trong những phút cuối cùng. Các anh đã hy sinh cho Tổ Quốc trong những giờ  thứ 25, không ai hay biết, bên những bờ ruộng, hoặc những con sông lạch nhỏ của đất nước thân yêụ
Hơn một phần tư thế kỷ, 31 năm sau, người ta lại ngồi với nhau,  bàn về cuộc chiến, để rút những kinh nghiệm cho những cuộc chiến khác. Những cuộc bàn luận thiếu bóng dáng những chiến binh oai hùng và can đảm như các anh, bỏ mình bên lạch nước ở một nơi heo hút của đất nước. Tôi muốn gởi đến các anh lòng biết ơn của chúng tôi, của 4 em  Thiếu Sinh Quân, và xin thắp lên một nén hương muộn màng, cho 31 năm đã quạ
Cũng từ đó đến nay, tôi chưa có dịp nào để gặp lại các em Thiếu Sinh Quân khác ở vùng I hoặc vùng II, mà 31 năm xưa đã cùng tôi ở lại trường Mẹ cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc chiến.

viết theo lời kể  của Cựu Thiếu Sinh Quân  Lê quang Nghĩa
số quân 4795
Vào trường 1969
Rời khỏi cổng trường lúc  2 giờ chiều, ngày 30 tháng 4 năm 1975.



 
UỐNG RƯỢU TRÊNSÔNG

Cùng Đại tá Hồ Ngọc Cẩn

CTSQ BÙI VĂN ĐỊCH
LTS : CTSQ Bùi Văn Địch, số quân 378 , nhập trường TSQ năm 1950 tại Hà Nội, ra trường năm 1955 tại Mỹ Tho, Tốt nghiệp khóa 14 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.  Hiện định cư tại Đức Quốc.  Trang trọng giới thiệu Anh đến độc giả.

Tôi biết Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Chương Thiện từ lúc ông còn nhỏ, vì cùng học trường TSQ Mỹ Tho với nhau.  Sau đó tôi ra trường vào năm 1955, được ít tháng thì truờng Mỹ Tho chuyển ra Vũng Tàu, sát nhập thành trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, tức năm 1956.  Đại tá Cẩn lúc đó cũng vừa tới tuổi đầu quân, được trường gởi đi học chuyên môn về vũ khí tại Liên truờng Võ Khoa Thủ Đức.  Đậu cao, ông được giữ lại làm Huấn luyện viên về môn này, một thời gian thì nhập học khóa 2 trường Sĩ quan Đặc Biệt Nha Trang. Con đường binh nghiệp của ông thênh thang rộng mở từ ngày ấy cho đến khi Mỹ vì chiến lược quyết lôi chủ nghĩa cộng sản với hình hài lở loét quái dị của nó ra trước nhân loại, nên đã bán đứng miền nam cho Liên Xô, thì ông bị quân cộng sản miền bắc xử bắn tại Cần Thơ vì không chịu đầu hàng. Cuộc đời anh hùng và cái chết trong khí thế lẫm liệt của ông đã được đời nói nhiều, viết nhiều rồi, nên ở đây, tôi chỉ kể lại một vài kỷ niệm giữa tôi và ông, thể như một nén nhang chân tình, xin thắp lên để tưởng nhớ người đã chịu hy sinh, đổi cái chết lấy cái nghĩa để bảo toàn danh dự và khí tiết của một người lính thua cuộc chứ không phải thua trận, vì quân đội chúng ta đã máy móc thi hành lệnh của viên Tổng Thống ba ngày, tự tan hàng (thế mới đau!) chứ nào có đánh đấm gì đâu để gọi là thua trận.  Còn như việc tôi gọi CTSQ Đại tá Hồ Ngọc Cẩn là ông, mà không gọi ông như bạn bè hoặc theo truyền thống của TSQ, như anh với em, hay như tao với mày, như tôi với vì …
          Một là để bày tỏ lòng kính trọng ông vì tôi nghĩ rằng, nay ông đã thuộc vể  lịch sử của dân tộc chúng ta.  Và vị trí của ông trong cả một dòng sử triền miên đó, là vị trí của một vị anh hùng, tuy ông đã xuất thân cùng một ngôi truờng thân yêu của thời thơ ấu, là trường TSQ Việt Nam.
Hai là để tránh cái tật… rất ít ỏi nếu có, là hay cố tình biện giải nhầm tam đoạn luận rằng Hồ Ngọc Cẩn là Cựu Thiếu Sinh quân, tôi là CTSQ, vậy tôi cũng  là Hồ Ngọc Cẩn.  Để từ đó mắc bệnh ngủ trên mây, biến công cuộc chung thành sân khấu cải lương, nói và làm những chuyện nhố nhăng, làm hổ mặt tập thể trong lĩnh vực đối ngoại, nghĩa là khi giao tiếp với bên ngoài.
Khi CTSQ Hồ Ngọc Cẩn làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 15 thuộc Sư đoàn 9 Bộ Binh, thì tôi đang làm việc tại văn phòng Tổng Thanh Tra Sư đoàn. Vì vậy ông và tôi rất thường hay gặp nhau.  Một hôm, tôi xuống thanh tra Trung đoàn 15, lúc đó đang ở ngoài hành quân nghe tin tôi xuống, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn mừng lắm, bèn thân hành lái xe ra bãi trực thăng đón tôi.  Ông và tôi tay bắt mặt mừng, cười nói rộn ràng cứ làm như lâu lắm rồi chưa thấy nhau. Vui vẻ khen nhau phát tướng phát mã một hồi rồi ông bắt đầu bảo tôi:
- Ông Địch ơi, cái việc thanh tra thanh tríếc ông để cho mấy chú nhỏ nó làm, ông đi theo tôi.
Tôi hỏi:
- Ông lại định lôi tôi đi đâu đấy?

Đại tá Hồ Ngọc Cẩn cười:

- Lâu ngày gặp nhau, (mới cùng tôi và CTSQ Bùi Hoán đi chơi với nhau
hôm nào đây, ghi chú của tác giả) tôi mời ông đi thì ông cứ đi, thắc mắc làm cái chi cho thêm rắc rối.

Làm vẻ nghi ngờ, tôi nói:

-         Đi đâu thì đi chứ giờ này ông đừng dẫn tôi đi gặp cái thằng Bùi Hoán
chết tiệt đấy nhé, đang làm việc nước -- tôi hay nói đùa với ông như vậy -- mà thấy cái bản mặt nó là kể như bù.

Đại tá Hồ Ngọc Cẩn đáp:

- Không, giờ này tôi dẫn ông đến ông nội đó làm cái gì.

Tôi hỏi lại:

          - Thế thì đi đâu?

- Cứ lên xe theo tôi, mình cà phê cà pháo chút đỉnh rồi đi.

CTSQ Bùi Hoán vào TSQ từ ngoài Hà nội với tôi. Năm 1954, trường Hà Nội di chuyển vào Nam theo Hiệp định Genève, sát nhập vào trường TSQ Mỹ Tho. Tôi, Cẩn và Hoán quen nhau từ đó.  Sở dĩ tôi đùa ông đừng dẫn tôi tới đi gặp Bùi Hoán, vì thằng này uống rượu khiếp lắm.  Gặp nhau là bù khú suốt đêm. Sáng bảnh mắt ra, chưa ăn uống gì đã hò “tà lọt” cho một ly cay cay súc miệng trước, đánh răng, rửa mặt sau.  Đâu đấy rồi mới lên giọng thầy đời: “Chúng mày phải nghe tao, lấy độc trị độc. Sau một đêm thù tạc, sáng dậy lừ đừ cứ tống nó vào, tỉnh táo ngay.”  Nghe nói Bùi Hoán bây giờ ở New Jersey bên Hoa Kỳ, có cậu em là CTSQ Bùi Hùng, khóa 26 Võ Bị gì đó.  Bùi Hoán bây giờ vì bệnh tiểu đường, đã mờ 1 con mắt, nhưng đồn vẫn phong lưu, mới về VN lấy vợ nữa mới phục tài. Xa xôi quá, một ở Đức, một ở Mỹ nên hư thực ra sao, tôi cũng chưa kiểm chứng được.

Hôm đó sau màn cà phê cà pháo vui vẻ xong.  Đại tá Hồ Ngọc Cẩn lần lượt đưa tôi đi thăm 3 Tiểu đoàn đang đóng ngoài vị trí hành quân. Nói là hành quân chứ thật ra, là vừa hành quân vừa thực tập huấn luyện vì tính của Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, tôi biết khi hết trận mạc, cho trung đoàn nghỉ ít ngày là sau đó lại cùng các sĩ quan rút ưu khuyết điểm chuẩn bị cho trận đánh sắp tới, qua các cuộc thực tập hành quân ngay trên thực tế. Đại tá Hồ Ngọc Cẩn giải thích với tôi:

“ Làm như vậy tiện cả đôi bề, trước nhất là việc huấn luyện bổ túc và thường xuyên cho Trung đoàn lính không cảm thấy nhàm chán, sau là nhân cơ hội ấy, mình vừa hoạt động lùng địch luôn. Văn ôn, võ luyện mà ông.”

Vì thế nên kỳ đó, tôi có thì giờ tâm sự tìm hiểu nhiều hơn với các Tiểu đoàn trưởng của Đại tá Hồ Ngọc Cẩn.  Đồng thời, khám phá ra một điều khác với những nơi khác, vị trí BCH Tiểu đoàn thường là có vẻ rất dã chiến, nghĩa là tạm bợ. Nhưng ngược lại, các vị trí này của Trung Đoàn 15, nơi đâu cũng có vẻ ngăn nắp, như chuẩn bị kỹ cho một cuộc trận đóng lâu dài. Tôi có đem điều thắc mắc này ra hỏi, thì một vị Tiểu đoàn trưởng đã trả lởi:

“Đại Bàng tôi thích thế. Mà cái gì có tính cách tạm bợ, thì thường sinh ra cẩu thả và từ đó, tạo cho tinh thần người lính không kỹ càng trong việc nghỉ ngơi, phòng thủ. Dễ nảy sinh tâm lý lúc nào cũng thấy bứt rứt vì thiếu thoải mái, rồi từ đó, đâm mất bình tâm để ứng phó với những tình huống xảy ra bất ngờ.  Đàng này, mỗi lần tạm đóng quân, là mỗi lần xếp đặt sao cho thật chặt chẽ việc phòng thủ, gọn gàng để thoải mái, bỏ địa điểm này liền cũng được, mà nằm lì tại đó cũng chẳng sao. Tinh thần trở nên thư thái, vững tin hơn. Mà ở chiến truờng, vững tin ở mình, ở cấp chỉ huy và đồng đội là yếu tố chiếm gần hết con đường đi đến chiến thắng.”

Chính vì vậy mà như tôi đã nói, giữa vị trí hành quân mà ông Tiểu đoàn trưởng nào cũng như đang thảnh thơi lắm, có cả rượu Martell, thứ của Tây chính hiệu để đãi tôi.

Riêng Đại tá Hồ Ngọc Cần, là người uống rượu rất khỏe, phải nói là uống rượu thay nước, sĩ quan cấp ông trở lên, mà kể luôn cả từ cấp ông trở xuống tới binh nhì, tửu lượng như thế, tôi nghĩ cũng hiếm mà có mấy tay. Uống vào mà sắc diện không hề thay đổi, tinh thần không hề đảo điên, ăn nói, tư cách không hề loạng quạng. Có lần, sau một ngày làm việc bận rộn. Đại tá Hồ ngọc Cẩn nói với tôi:

- Tối nay tôi với ông đi uống rượu.

- Uống thì uống chứ…thằng nào sợ thằng này.  Thế là hôm đó, trở về phòng sau khi tắm rửa chưa kịp nghỉ ngơi thì trời đã mười giờ tối.  Một chú lính vào gặp tôi nói:

- Mời Thiếu tá ra gặp Đại tá. 

Thoạt đầu tôi cứ ngỡ chú lính ấy sẽ dẫn tôi ra nơi bãi xe, có Đại tá Cẩn đang chờ. Ai dè loanh quanh lại theo chú ấy ra mé bờ sông. Đến nơi thì đã thấy Đại tá Hồ Ngọc Cẩn ngồi trong một cái xuồng từ bao giờ.  Dưới xuồng ngoài ông còn có hai người lính khác, một giữ truyền tin ở đầu mũi và một lái xuồng ngồi ở phía cuối. Tôi bước xuống, bên một chiếc bàn nhỏ đặt giữa lòng xuồng, đối diện với Đại tá Hồ Ngọc Cẩn. Trên đã có sẵn hai cái ly. Duới là một két Martell cổ lùn. Nhìn kỹ chẳng thấy có đồ  nhắm gì cả. Vì có hai người lính cùng ở trên xuồng, tôi đổi cách xưng hô với ông:

- Bộ Đại tá đêm nay cùng tôi làm Lý Bạch hay sao đây?

Ông bình thản đáp:

- Ông là người tôi quý từ hồi trong trường.  Ra đời lại nghe quần hùng gần xa, đồn ông là người biết uống rượu và luận về ruợu không thua Kim Dung cho Lệnh Hồ Xung luận về rượu trong Tiếu Ngạo Giang Hồ.  Nay tôi muốn thay đổi khung cảnh thù tạc với nhau giữa ông và tôi, để xem thực thi của ông ra sao mà học hỏi.

Tôi đùa trả lời ông:

- Tôi cũng nghe đồn Đại tá là người tửu lượng khủng khếp chẳng thua gì Tuy Lý Vương. Uống ruợu như uống nước. Điều đó mình hiểu nhau quá rồi. Nhưng hôm nay nhận lời mời của Đại tá, là tôi cũng muốn nhân dịp này, tìm hiểu xem tại sao nhiều quần hùng ka ki lại cứ ao ước được ngồi uống rượu với Đại tá.

Khích nhau qua loa như vậy rồi, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn quay về phía anh lính cầm lái, phất tay ra lệnh rời bến. Thế là cái xuồng cứ giữa dòng sông Hậu Giang  bồng bềnh trôi. Từ Tân Châu đến Hồng Ngự, rồi lại từ Hồng Ngự về Tân Châu. Có thể nói trong đời, chưa bao giờ mà tôi lại cảm thấy tâm hồn thơ thới, nhẹ nhàng như vậy, tôi còn nhớ.  Kể từ chai đầu tiên khi tự tay Đại tá Cẩn khui ra, rót vào hai chiếc ly rồi cùng nhau uống nhâm nhi, cả tôi và ông bỗng đều im lặng hình như lâu lắm, chẳng ai nói với ai một lời. Chỉ hết nhìn nhau rồi lại nhìn sông nước mênh mang, mờ mờ, tỏ tỏ trong đêm trăng.  Bồng bềnh đâu đó dăm cụm lục bình, nổi trôi như kiếp đời của những người rầy đây mai đó. Được vài tuần rượu ông bỗng hỏi tôi:

- Ông Địch à, rượu và nước khác nhau thế nào hả ông?

Tính tôi từ nhỏ ham vui và hay nói tục với bạn bè.  Thấy ông hỏi thế, vui vui tính chửi thề nhưng chợt ngăn lại, không phải giữ kẻ vì có hai chú lính cùng ngồi trên xuồng, hay sợ vô lễ bởi từ nhỏ, ông đã tỏ ra quen nghe tôi nói bậy, trong những lúc đối đáp bông đùa chuyện tiếu lâm. Nhưng do tôi tự nhiên thấy giật mình, thầm nghĩ chớ vội tưởng bở mà hố to.  Nhiều khi cái tầm thuờng, ngớ ngẩn lại chất chứa trong đó biết bao nhiêu là cái rắc rối mà mình đâu tuởng.  Bèn cười cười, hỏi lại ông để trì hoãn chiến:

- Tại sao Đại tá lại hỏi tôi câu đó?

Đại tá Hồ Ngọc Cần đáp có vẻ ngay tình:

- Ví tôi thấy, nhiều khi khát nước, không có rượu uống nước vào thấy hết khát, dễ chịu ngay đã đành.  Nhưng khi khát mà tiện có rượu, tôi uống vào cũng cảm giác y hệt vậy.  Đâm ngớ ngẩn chẳng biết rượu và nước nó khác nhau là khác làm sao?

Nhấp một ngụm rượu, từ từ đặt ly xuống, tôi trả lời ông:

- Đại tá biết không, nước thì khi uống vào, ai cũng như ai, chẳng có gì thay đổi ngoài cái đã khát.  Nhưng ruợu thì khác, ở chỗ rượu theo chữ Hán là “tửu” Nhưng khi uống rượu vào, tuy cùng chung một chất “tửu” như nhau đó, song thật ra, tùy tâm tính trời cho, cùng với tư cách, phong độ, tâm hồn, kiến thức của mỗi người khi uống thì “tửu” lại biến đổi thành nhiều sắc thái khác nhau nơi người uống.  Như có kẻ bình thường thì chẳng nói làm gì, nhưng cứ rượu vào là cứ chửi vợ, đánh con, hay gây gổ, phát nói tục tằn, ăn tục nói phét, thành cuồng ngôn loạn ngữ. Từ đó rượu hay “tửu” cũng thế, bị đời gọi là “tục tửu”.  Tay rượu đó được liệt vào thứ dân “tục tửu”.  Nước và rượu khác nhau ở chỗ đó.

Đại tá Cẩn phá lên cười.  Lại hỏi:

- Thế còn như người uống rượu vào là làm thơ ngay, loại tửu đó gọi là tửu gì?

Tôi đáp ngay:

- Ngược lại có người lúc giao tiếp khi chưa ruợu, thuộc loại… Vai u, thịt bắp mồ hôi dầu, lông nách một bụm, trà tửu một hơi.  Nói nôm na là dân đập đất, chẳng thấy xướng một lời thơ, câu phú.  Ấy vậy mà khi rượu vào, là bỗng nói ra thơ, thở ra phú, “tửu” khi đó, qua người uống, đã trở thành “thi tửu”.

Lại hỏi:

- Thế còn như người cứ rượu vào là trở thành nhu mì, ăn nói văn hoa hẳn ra thì sao?

Lại đáp:

- Có kẻ klhác, bình thuờng bạn bè thân thiết gặp nhau là đù cha, đ… mẹ lọan cả lên, chuyện trò bậy bạ không thể tả được. Ấy thế mà khi hò nhau uống rượu vào, là trở nên người nhu mì, lịch lãm, ăn nói từ tốn, nhỏ nhẹ, văn hoa. Toàn mang những chuyện đẹp, chuyện hay, chuyện yêu đời ra bù khú.  Tửu lúc đó, qua người uống, bèn được gọi là “mỹ tửu”.  Có lẽ vì vậy mà Thôi hiệu ngày xưa mới khởi đầu một bài tứ tuyệt của ông bằng câu: “Bồ đào, Mỹ tửu, dạ quang bôi” chăng?

Đại tá Hồ Ngọc Cẩn gật gù ra chiều đồng ý, chợt nghĩ đến Bùi Hoán, tôi đố vui ông:

- Thế còn như cái thằng Hoán kia, thỉnh thoảng uống rượu với tôi, nó lại dẫn lời thánh hiền bằng chữ Hán ra nói.  Vậy theo Đại tá, thằng này thuộc loại tửu gì?

Đại tá Cẩn bông đùa đáp ngay:

- Người dốt đặc chữ Hán như cái ông Hoán. Vậy mà khi rượu vào lại xổ cả tràng chữ nôm ra dẫn chứng, thành một thứ chum nho, nho cục như ông hỏi, thì là “ hán tửu” chứ gọi là gì nữa.

  Chợt như nhớ ra chuyện gì, ông hỏi tôi:

- Trước đây khi còn làm Huấn luyện viên vũ khí trong Thủ Đức, bên cạnh nhà tôi có một ông, cứ mỗi lần uống rượu xong là ông ấy lại xếp bằng ngay ngắn, lưng thẳng, mắt nhắm ngồi cả giờ đồng hồ như vậy luyện khí công.  Uống rượu như thế thì thuộc loại tửu gì ông Địch nhỉ?

Tôi đáp đại:

- Đại tá nói sao chứ theo tôi, không phải là ông ấy ngồi luyện khí công đâu, mà chắc là ngồi thiền đấy.

-  Mà người uống rượu như thế ông thử nói là tửu gì tôi coi?

Tôi cười đáp:

- Thì gọi là “thiền tửu” chứ gọi là gì nữa.

Tiện hứng tôi nói luôn:

- Lại có người, lúc rượu chưa vào, chẳng đề cập gì đến chuyện mai hậu của đời mình.  Nhưng ông cứ rượu vào, là toàn nói những lời kiểu rũ áo từ quan, thích quy ẩn là kẻ sĩ, thơ túi, ruợu bầu như Trương Lương thời Hán Sở.  Biết vua Hán là người chỉ có thể chung lưng, đấu cật khi còn gian nan dựng nghiệp, nhưng không thể cùng chung hưởng phú quý, danh vọng được, nên rũ áo từ quan, tránh tai họa cho mình.  Kẻ sĩ uống rượu như thế, gọi là “Sĩ tửu” mới đúng phải không Đại tá?”

          Nhân nói đến chuyện kẻ sĩ uống rượu, mới đây hôm tháng 6 vừa qua, một chú TSQ ở bên Mỹ gọi điện thoại xin tôi địa chỉ của chị Nghiêm tức chị Trịnh Tuyết Hải, hiền thê của nhà văn Song Linh -- CTSQ cố Thiếu tá Nguyễn Văn Nghiêm. Chuyện vãn một hồi, không hiểu liên quan điều gì đó chú ấy lại hỏi tôi…” Ông Hoàng Văn Đức, thân phụ của CTSQ Hoàng Thanh Tùng, khóa 31 Võ Bị giờ ở Chicago, Illinois mới đây chắc muốn đo lường trình độ nông sâu của em, đã nêu câu thắc mắc rằng không biết vì sao Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, tức nhà văn Toàn Phong -- Một nhà thông thái Việt Nam nổi tiếng được trọng vọng và quý mến đến như vậy, mà lại chỉ nhận rằng mình là một kẻ sĩ. Trong tiếng Việt phổ thông, khi nói tới kẻ này, kẻ nọ là nhằm ý miệt thị như kẻ trộm, kẻ cướp, hay coi thường như kẻ cung đình, khố rách áo ôm, kẻ thứ dân đầu trần chân đất.  Ít nhất thì ông cũng phải là một nhân sĩ chứ sao lại chỉ tự nhận mình là một kẻ sĩ. Trước đây nghe anh Nghiêm nói, anh thuộc loại lầu thông kim cổ mà ít lộ ra ngoài cho ai biết, vậy theo anh em phải trả lời ông Hoàng Văn Đức như thế nào?”  Tôi hỏi lại thế ông HoàngVăn Đức là ông Đức nào, có phải là Đại tá Bác sĩ Hoàng Văn Đức, trước kia có thời làm chỉ huy Trưởng trường Quân Y không?  Chú ấy xác nhận là đúng. Tôi bèn giải thích với chú như thế này:

 “Theo anh cái kẻ sĩ, mà Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh tự nhận cho mình, chẳng những nó phản ảnh trung thực đức khiêm nhường của ông, mà nó còn nói lên hai khía cạnh khác nhau một trời một vực giữa kẻ sĩ và nhân sĩ.  Bởi đúng như ông Hoàng Văn Đức nêu ra, đã gọi là “kẻ” thì chỉ “kẻ này, kẻ nọ” như chú vừa nói. Nhưng thật ra, theo tôi chữ “kẻ” ở đây, còn bao hàm ý nghĩa là đám đông bình thường, một đám đông của xã hội gồm đủ mọi thành phần, sang có, hèn có, kẻ này, kẻ nọ đều có, nói theo lối chính trị thì đám đông đó gọi là nhân dân. Giữa đám đông nhân dân ấy có những người tuy uyên bác nổi tiếng thế giới về toán học và không gian, như Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh nhưng vẫn sống hòa mình trong đó. Vui cái vui của đám đông.  Buồn cái buồn của đám đông. Không bỏ đám đông. Không bán đám đông đi mua những danh vọng, chức tước hão huyền, thì người này chính lả kẻ sĩ, và người đời về lâu về dài hiểu ra, yêu quý và kính trọng gọi là kẻ sĩ của nhân dân.  Nó khác với nhân sĩ là những người được coi là tài cao, đức trọng, được xưng tụng theo nghi lễ để phân biệt thấp cao trong những dịp chiếu trên, chiếu dưới, vốn là hình thức đẹp của tôn ti trật tự, như một tháp ngà.  Do đó, Nhân sĩ chỉ có thể chung cái vui với đám đông nhân dân, nhưng không thể chia cái khó, cái nhọc, cái khổ với nhân dân như kẻ sĩ.  Nhân sĩ và Kẻ sĩ vẫn theo anh, khác nhau như vậy, và có sự tại sao một người như Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, lại chỉ thích mình là Kẻ sĩ hơn là Nhân sĩ, biết đâu cũng chẳng nằm trong nguyên do đó. Chú cứ thử thưa lại với Bác sĩ Hoàng Văn Đức nhận định của tôi xem Bác sĩ nghĩ sao?”

Trở lại chuyện cũ, đêm hôm ấy trên sông Hậu Giang, tôi và Đại tá Cẩn đã bên nhau gác hết mọi công việc hàng ngày, để cùng nhau thả hồn hòa nhập cùng trăng với nước.  Khi đề cập tới Trương Lương, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn bỗng hỏi tôi:

- Vậy chớ trong Hán Sở Tranh Hùng, nhân vật nào là nhân vật mà ông thích nhất?

Không suy nghĩ tôi đáp:

- Trương Lưong, thế còn Đại tá?

Đại tá Cẩn chợt trầm ngâm, rồi trả lời với giọng dứt khoát:

- Riêng tôi, tôi thích nhất Hạng Võ.

Tôi cười:

- Hạng Võ là người hữu dõng vô mưu, nên thất bại. Vì nóng nảy không nghe lời khuyên của dân cận thần cũng như của vợ là Ngu Cơ để đến nỗi bị Hàn Tín lập kế khích tướng, dồn vào thế cùng phải tự vẫn bên dòng Ô Giang, sao Đại tá lại thích nhất?

Đại tá Hồ Ngọc Cẩn đáp:

- Ông Địch ơi, ông luận thế mới chỉ là luận được một nửa về Hạng Võ. Ông phải nhớ rằng khi Hạng Võ cùng đường chạy đến bờ sông Ô Giang. Định sang bên kia sông là đất Giang Đông lánh nạn, thì gặp một người Đình trưởng lái đò ngồi chờ sẵn tại bến. Bèn hỏi… Tại sao ngươi biết ta đến đây mà đón? Người Đình trưởng thưa… “Tôi nghe Đại vương thất trận mà nơi đây, hồ như chỉ còn có mỗi một con thuyền này đến đây đợi đón Đại Vương.  Đất Giang Đông tuy nhỏ bé, nhưng thế đất lại vuông cả ngàn dặm, rất thích hợp cho Đại Vương sang đó tụ hiền, đãi sĩ, chiêu tập hào kiệt, tích thảo, lập binh thì cái cơ hội lấy lại thiên hạ nào khó khăn gì. Xin Đại Vương mau mau xuống đò, chớ chậm trễ làm mất cơ hội ngàn vàng.”

- Ông Địch à, ông biết Hạng Võ trả lời sao không?  Hạng võ bèn lắc đầu thở dài đáp… “Ta bẩm sinh từ lúc khởi binh đến giờ, trăm trận đánh là trăm trận thắng. Nay lâm nguy thì cớ gì phải chạy trốn cho mang nhục với đời! Vả laị lòng trời đã muốn tận diệt ta, thì ta còn sang sông làm gì nữa? Để rồi trở về Giang Đông ư? Dẫu vẫn được dân yêu kính mà cho ta làm vua thì cũng chẳng còn mặt mũi nào để nhìn con dân mình nữa.”  Nghe Hạng Võ bày tỏ đức liêm sỉ của một vị tướng, một vì vua, viên Đình trưởng khâm phục, cố nài nỉ… “Tây Đại vương, phàm ở đời bậc trí giả không ai đem thành bại ra mà luận anh hùng.  Đã mang chí lớn, xin Đại vương đừng câu chấp việc nhỏ nhoi.”  Nhưng Hạng Võ nhất định không nghe.

Cảm kích trước tấm lòng của Viên Đình trưởng chèo đò, Hạng Võ nói…”Cả bao nhiều năm nay trên bước đường chinh chiến, ta dùng có mỗi con ngựa quý này.  Nó là một con thần mã rất khôn ngoan, ngày có thể mang ta đi ngàn dặm mà không mệt nhọc gì.  Nay để quân Hán bắt được, đem giết đi thì quả thật lòng ta chẳng nỡ. Vậy nhà ngươi hãy mang nó sang sông mà nuôi dưỡng, mai sau thấy nó cũng như là thấy ta vậy.”  Nói rồi sai tên tùy tốt dẫn thần mã xuống thuyền. Nhìn Hạng Võ thần mã hí vang tỏ lòng quyến luyến.  Chờ khi thuyền vừa rời bến bèn bất thần chụm vó phóng xuống sông, chìm trong sông nước mất dạng. Ngay khi ấy, Hán quân truy kích cũng vừa ập tới.  Hạng Võ bèn vung gươm giết mấy trăm tên. Nhưng bất chợt, nhìn thấy trong hàng Hán tướng có Lã Mã Thông là cố nhân của ta chăng? Viên tướng đáp: ”Phải chính tôi đã cùng Đại vưong xuất binh khởi nghĩa tại Cối kê.” Hạng Võ lại hỏi: ”Vậy ngày nay lòng ngươi đối với ta như thế nào?” Đáp: ”Tôi vẫn khâm phục cái tài kinh thiên vĩ đại của Đại vương.  Nếu trời không giúp Hán thì Hán không thể nào thắng Đại vương được.  Nay tôi đi theo con đường khác với Đại vương, nhưng lòng vẫn coi Đại vương là cố nhân.” HạngVõ nói: “Lòng ngươi còn nhớ nghĩa xưa ta biết lấy gì đền đáp.  Nhưng nghe nói Hán vương treo giải trong ba quân, hễ ai lấy được đầu ta thì được phong làm vạn hộ. Vậy nay ta cho nhà ngươi cái đầu của ta mà mang về Hán lập công.” Nói rồi Hạng Võ, tức Hạng vương bèn rút gươm đâm vào cổ mình tự vẫn.

Kể đến đây Đại tá cầm ly rượu uống cạn một hơi rồi đặt ly không xuống:

- Ông Địch ơi, đời ai mà chẳng chết. Ông là vua ông cũng chết, mà tôi là dân đến ngày mệnh hết thì tôi cũng tiêu.  Điều còn lại ở đời là cái gì đây hả ông?  Nếu không phải là cái đức liêm sỉ của vị tướng nắm ba quân, rồi lại có lúc từng chăn dắt muôn dân.  Sống mà sống nhục thì sống làm gì đây hả ông Địch?

Chiếc xuống vẫn cứ giữa dòng Hậu Giang mà chạy, qua bao chuyến xuôi ngược như đã kể, từ Tân Châu đến Hồng Ngự rồi lại tử Hồng Ngự về Tân Châu. Và két rượu Martell dưới bàn cũng vậy, hết chai này mở chai khác, anh em tôi không biết là mỗi người đã uống hết bao nhiêu chai.  Tới  khoảng 5 hay 6 giờ sáng gì đó, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn mới nói:

- Thôi, trời sắp sáng, mình về ngủ một tý nghe ông Địch.

Thế rồi sau khi tham dự chiến dịch giải tỏa An lộc năm 1972, Trung Đoàn 15 của Đại tá Hồ Ngọc Cẩn được về nghỉ dưỡng sức tại một nơi gần Trà Vinh mà lâu ngày tôi không nhớ tên. Trong suốt thời gian ấy, tôi được lệnh xuống ở cùng với Trung Đoàn này. Chợt một hôm, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi -- Tư lệnh Quân đoàn IV, Quân khu 4 xuống thăm và gọi tập hợp toàn bộ các sĩ quan ở trên Quân đoàn cũng như ở Sư đoàn cho ông nói chuyện.  Sau bài nói chuyện đó, tôi còn nhớ như in dù đã trải qua hơn ba mươi năm, lời Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi kết luận:

“ Đấy! Đánh giặc thì phải đánh như Đại tá Cần thì mới là đánh giặc.”

Ở An Lộc, mỗi đêm nó pháo cả mười ngàn trái đạn. Thế mà Đại tá Cẩn không bao giờ chịu nhảy xuống hố.  Ban đêm Đại tá Cẩn vẫn đích thân đi kiểm soát các vị trí phòng thủ.  Nếu gặp ông Tiểu đoàn trưởng nào nấp dưới hầm tránh pháo, là lập tức bị Đại tá Cẩn gọi lên chỉnh ngay: “Mình là cấp chỉ huy, phải nêu gương can đảm cho binh sĩ.”  Đó, vẫn là lời Tướng Nguyễn Vĩnh nghi, theo tôi thì cái Anh Dũng Bội Tin nào có tác dụng hơn lời nhắn nhủ ấy của Đại tá Cẩn.

Tan cuộc nói chuyện của Tướng Vĩnh Nghi, lúc ông Tướng đã về rồi, tôi đang lớ ngớ định tạt qua nhà thì xe Jeep của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn tạt sát lại tôi, ông rủ:

- Ông Địch đi dâu vậy ông.

Tôi đáp:

- Thì xong rồi, định tạt qua nhà chút đây.

Đại tá Cẩn gạt đi:

- Về giờ này làm gì? Lên xe tôi tới Quân Y Viện thăm thương binh một chút, xong mình kiếm cái gì ăn. Tôi đãi ông hôm nay.

Nói là nói thế chứ thật tình lần nào đi “ăn chơi” mà Đại tá Cẩn lại không đãi. Tôi đồng ý ngay:

- Đi thì đi chứ ngán ai.

Đại tá Cẩn nói tài xế xuống băng sau ngồi với một Trung Uý đi theo, ông lái xe và tôi ngồi ghế trưởng xa.  Đến Quân Y Viện, qua một vòng thăm anh em, Đại tá Cẩn dẫn tôi tới một Tiểu đoàn trưởng của Trung đoàn ông bị thương, mảnh đạn làm mù một mắt. Qua vài lời hàn huyên tâm sự, an ủi, Đại tá Hồ ngọc Cẩn ra hiệu cho anh Trung úy lấy một bọc tiền ra, ông nói:

- Cuộc đời binh nghiệp của anh đến đây là chấm dứt. Tôi tặng anh một triệu đồng là của trên cho riêng tôi, để anh về lo cuộc sống dân sự sắp tới.

Ông Tiểu đoàn trưởng nghẹn ngào từ chối:

- Thưa Đại Bàng, tôi không dám nhận.

Đại tá Hồ Ngọc Cẩn nghiêm nghị nhưng vẫm đượm tình thân:

- Không có dám hay không dám gì hết. Cầm lấy đem về lo cho tương lai. Khi nào thuận tiện đến thăm tôi.

- Cám ơn Đại Bàng.

Tất cả sư kiện ấy diễn ra trước mắt tôi bất ngờ và qua nhanh quá, đến không kịp cả bàng hoàng trước hành động đầy lo toan cùa Đại tá Hồ Ngọc Cẩn đối với thuộc cấp của mình. Kế đó là trạng thái xúc động của Ông Tiểu đoàn trưởng bị thương, sắp phải ra đời dân sự, bỗng dưng tôi chợt thấy lòng vui, buồn pha chút bâng khuâng lẫn lộn vì thoáng nghĩ: Buồn biết bao nhiêu nếu phải rời quân ngũ. Qua dịp đi thăm thương binh đó ít lâu, tôi lại về Sư đoàn. Được đâu khoảng tháng, hai tháng gì đó, tôi dùng xe Jeep xuống thăm Trung đoàn 15 đang hành quân tại Nhị Quý, quận 5 Cai Lậy thuộc tỉnh Định Tường. Khi xe còn cách vị trí hành quân của Trung đoàn khoảng 1 cây số thì bỗng thấy một chiếc trực thăng vừa bị trúng hỏa tiễn S.A7 của Việt cộng, đang phụt khói từ trên không rớt xuống.   Tới bộ Chỉ huy hành quân thì thấy mọi người đang lăng xăng lo chuyện cấp cứu.  Một sĩ quan thấy tôi bèn nói:

- Trực thăng của Đại tá bị trúng hỏa tiễn rồi, Thiếu tá.

Tôi sững người lo lắng. Vừa khi đó chiếc xe Jeep chở Đại tá Cẩn chạy về.  Tôi thấy mặt ông be bét máu, xong đi đứng vẫn có vẻ bình thường. Vừa ngồi xuống ghế ông liền đưa tay như đang cầm cái ly đưa lên miệng uống. Một chú lính nhanh nhẹn mang ra một cái ly cối thứ uống nước đá chanh của ta ngày xưa, khui một chai rượu Martell, rót vào cái ly cối ấy đầy khoảng ba phần tư ly rồi với hai tay, anh đưa cho Đại tá Cẩn. Ông cầm ly đưa lên miệng uống. Nhưng rượu vừa vào miệng là lập tức, ông khạc ra liền.  Hồ Ngọc Cẩn mà chê ruợu Martell như thế kia là có cái gì không ổn rồi. Tôi cười thầm tự nghĩ.  Nhưng có lẽ không sao, chắc chỉ vì vết thương trong miệng, gặp rượu cognac mạnh như thế thì có là “vua rượu“ như Đại tá Cẩn cũng chịu thua thôi.  Bác sĩ quân y lúc đó đứng bên cạnh, liền nói:

-         Đại tá uống không nổi đâu. Để tôi đưa Đại tá đi chữa răng cái đã.

Đến lúc này ai cũng cười, tỏ niềm vui vì Đại tá Hồ Ngọc Cẩn tai qua nạn khỏi, trực thăng rớt như thế mà chỉ bị đau đớn trong miệng. Tôi đứng đó mà anh em chỉ nhìn nhau, không ai nói với nhau được một lời nào ngoài ánh mắt, cho đến khi bác sĩ Trung đoàn đưa anh đi Quân y viện.

          Một thời gian sau, thì Đại tá Hồ Ngọc Cẩn được chỉ định đi làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu trưởng Tiểu khu Chương Thiện.  Lần đầu tiên gặp lại nhau, kể từ lúc chia tay ngày bị rớt trực thăng đó. Đại tá Hồ Ngọc Cẩn cười cười, “dụ” tôi:

          - Ông Địch à, ông bỏ mẹ nó cái phòng Thanh tra Sư đoàn đi, ông xuống với tôi. Trừ chức Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu Khu Chương Thiện, ông muốn làm cái chức gì ở tỉnh này tôi cũng chấp thuận hết. Bám mãi cái phòng thanh tra ấy mà làm cái gì”.

          Tôi cười chưa kịp trả lởi thì ông đã nói tiếp:

          - Sao ông lại cưởi. Ông với tôi là bạn với nhau từ thời còn mặc quần thủng đít.  Tôi đâu phải vua Hán, hà tất ông định làm Trương Lương.”

          Đó là lần chót tôi gặp Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, cho đến ngày Bắc quân tràn vào miền Nam, mang ông ra xử tử vì kháng cự chúng đến cùng.  Hôm chúng xử ông tại một phiên tòa ở Cần Thơ, tôi cũng có mặt trong đám đông, chứng kiến cái khí tiết hào kiệt của bạn mình mà lòng quặn thắt.  Phiên tòa này, cũng đã được nhiều người kể, viết, thiết nghĩ tôi không cần phải lập lại. Do đó, chỉ xin ghi một vài cảm nghĩ đớn đau của tôi lúc đó, và ngay cả bây giờ, rằng một con người mạng lớn như thế, trực thăng trúng hỏa tiễn rớt như trái sung xuống đất, rồi trải qua bao gian nguy ngoài chiến địa mà không chết. Thế mà nay lại bị bọn Cộng sản nó dàn dựng một phiên tòa rồi đem ra xử tử.  Căm uất nào giải cho tan?  Rồi tôi lại nhớ tới đêm uống rượu trên sông Hậu Giang cùng người Anh hùng ấy, lênh đênh trong trời trăng nước, luận tếu về rượu, về các nhân vật trong Hán Sở Tranh Hùng. Thầm hỏi, tại sao ngay từ thời đó.  Đại tá Hồ Ngọc Cẩn thích nhân vật nào chẳng thích, lại thích Hạng vương.  Phút nguy nan có thể thoát chết nhưng lại sợ nhục. Nhục với mình, nhục với ba quân và dẫu có sống mà trở về, lại sợ xấu hổ, chẳng còn lòng dạ nào dám nhìn dám lương dân mà mình từng chăn dắt.

          Chọn mẫu người như HạngVõ, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn trước nhất, đã không thèm mang sự thắng, bại ra để luận anh hùng.  Theo tôi ông quả là bậc trí giả.

          Trước kẻ thù trùng vây hung hiểm, ông quyết không đầu hàng để mang nhục với Đồng bào, Quân đội và Đất nước. Theo tôi, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn đúng là một quân nhân đầy dũng khí.

          Thật lòng lo lắng thực tiễn cho đồng đội, thuộc cấp, khi làm Tỉnh trưởng thì không có tơ hào, sách nhiễu nhân dân, không có nạn lính ma, lính kiểng, theo tôi, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn là một người có quyền, có chức nhưng đầy lòng nhân.

          CTSQ Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, ông đã sống theo Nhân, Trí, Dũng và đã chết trong Nhân, Trí, Dũng.

          Là một người bạn đồng trang lứa, nhưng tôi kính phục ông, một vị anh hùng của quân đội VNCH và của đất nước miền Nam hiền hòa yêu dấu.




CTSQ BÙI VĂN ĐỊCH
(Germany)



Nhận xét:

Bài viết về Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn này rất hay cho thấy nhân cách cao độ, tác phong đạo đức, khả năng lãnh đạo và lòng dũng cảm, can trường của vị anh hùng trong thời đại chúng ta.

Tác giả đã tài tình lồng ba chữ Nhân Trí Dũng, là chủ trương đường lối của tờ báo vào câu chuyện để ca ngợi một người hùng của TSQ.

Đoạn uống rượu trên sông đầy thi vị.


 AET nên biết:
THIẾU TƯỚNG NGUYỄN VĂN VẬN 
Ctsq Thiếu tướng Nguyễn Văn Vận. Nguyên Tổng Thư Ký đầu tiên của Bộ Quốc Phòng , thuộc quân đội quốc gia Việt Nam đã từ trần trong đêm 17 sáng ngày 18 tháng 9 năm 1999, hưởng thọ 94 tuổi. Ông ra đi rất dễ dàng, thanh thản như tính tình của ông. Buổi tối ngày 17 ông hơn mệt, đi ngủ sớm, sáng ngày 18 gia đình đánh thức ông dậy dùng bữa điểm tâm, mới hay ông qua đời.

          Thiếu tướng Nguyễn Văn Vận xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân Núi Đèo. Năm 1950 ông là một Đại Tá trong quân đội Pháp, Khi quân đội Quốc Gia được thành lập, ông là sĩ quan cao cấp đầu tiên, rời quân đội Pháp sang hàng ngũ quân đội Việt Nam. Ông còn hô hào, kêu gọi các sĩ quan Việt Nam trong quân đội Pháp, chuyển sang quân đội Việt Nam. Ông là Tổng Thư Ký đầu tiên của Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Năm 1951, khi Đại Tá Nguyễn Văn Hinh, chánh võ phòng Quốc Trưởng Bảo Đại được thăng Thiếu Tướng, giữ chức Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội QGVN, thì Đại Tá Nguyễn Văn Vận cũng được thăng chức Thiếu Tướng giữ chức Tư Lệnh Đệ Tam Quân Khu. Lãnh thổ Đệ Tam Quân Khu bao gồm từ Ninh Bình đến biên giới Hoa Việt, nơi mà chiến truờng sôi động nhất. Đệ Tam Quân Khu mới thành lập, trãi qua không biết bao nhiêu khó khăn, đòi  hỏi  vị Tư Lệnh vừa có kiến thức quảng bác, vừa phải có tài lãnh đạo, tổ chức : Thành lập Bộ TưLlệnh, các cơ sở tiếp vận, hành chánh tại Trung Ương rồi tới thành lập các Tiểu Khu, thành lập các Liên Đoàn Lưu Động Bộ Binh, các Giang Đoàn, Hải Đội Thủy Quân, các đơn vị Pháo Binh, Truyền Tin, Thiết Giáp, Không Quân….Cũng nên nhắc lại, bấy giờ ông Nguyễn Văn Thiệu còn là Thiếu úy, ông Nguyễn Cao Kỳ còn là sinh viên sĩ quan.
          Nhờ xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân nên với tuyền thống của Thiếu Sinh Quân Thế Giới, Tướng Vận thu hút được hầu hết các sĩ quan VN xuất thân Thiếu Sinh Quân trong quân đội Pháp trở về với quân đội Việt Nam. Cũng chính những sĩ quan này tuân phục mệnh lệnh Tướng Vận tuyệt đối vì quân kỷ cũng có mà vì tình đoàn kết giữa các cựu Thiếu Sinh Quân cũng có. Cho nên tất cả những khó khăn đều vượt qua dễ dàng. Sau hơn một năm thành lập, Bộ Tư Lệnh Đệ Tam Quân Khu có khả năng chỉ đạo chiến trường ngang với Bộ Tư Lệnh quân đội Pháp tại Bắc Việt. Những chiến thắng mà quân sử còn ghi như Hòa Bình, Núi Côi, Non Nước, Hoàng Đan, Hải Hậu, Trình Phố, Đông Triều, Phủ Lý, Sơn Tây trong năm 1951-1952, hoàn toàn do các đơn vị quân đội Quốc gia Việt Nam chủ động, và do Bộ Tư Lệnh Đệ Tam Quân Khu chỉ huy.

          Do nhu cầu chiến truờng, sang năm 1953, quân đội QGVN thành lập thêm các Tiểu Đoàn Khinh Binh đầu tiên do Quân Khu Ba thành lập huấn luyện đã tham dự vào các trận Nghĩa Lộ, Sông Lô, Vĩnh Yên, Phả Lại có khả năng ngang với những đơn vị ưu tú nhất của quân đội Pháp bấy giờ.

          Sau Hiệp Định Genève 20/7/1954, các đơn vị quân đội QGVN được rút về Nam vĩ tuyến 17, Thiếu Tướng Vận trở về giữ chức Tổng Thư ký Bộ Quốc Phòng.
          Năm 1955 sau nhiều lần hội kiến với Thiếu Tướng Vận, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm muốn trao cho ông chức vụ Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng. Nhưng với chủ trương giảm quân của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, Tướng Vận không đồng ý, vì ông cho rằng chỉ một vài năm nữa Cộng Sản sẽ tái gây chiến. Nếu bấy giờ, giải tán hàng loạt những đơn vị thiện chiến, những chiến sĩ ưu tú thì mấy năm nữa chiến tranh tái phát, quân đội VN sẽ không còn khả năng làm chủ chiến trường. Những ý kiến của Tướng Vận không được tôn trọng. Do bất đồng quan điểm về chiến lược, về tình báo, về tổ chức, Tướng Vận từ chức.

          Là một tướng lãnh kinh nghiệm chiến truờng, có cái nhìn sắc bén thời cuộc, uy tín bật nhất trong quân đội QGVN thời bấy giờ, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Vận nhận thấy dù ông còn ở trong quân đội hay giải ngũ, ông cũng không thể tránh khỏi bị lôi kéo vào những lớp sóng chính trị, vì vậy ông rời quân đội, cùng gia đình sang Pháp, ẩn cư tại vùng ngoại ô Paris.

          Tại Pháp, từ năm 1955 cho đến nay, đây luôn luôn là nơi khởi lên những phong trào, mặt trận ảnh hưởng lớn đến chiến trường Việt Nam. Thế nhưng Thiếu Tướng Vận nhất định ôm gối ngồi cao, không để những lớp sóng chính trị lôi kéo vòng thị phi.

          Nói tóm lại, Thiếu Tướng Vận là một tướng lĩnh đầu tiên của quân đội Quốc Gia VN (tiền thân của quân đội VNCH). Ông vừa có tài lãnh đạo, tổ chức, vừa có tài cầm quân, lại đức độ, thanh liêm nên hầu hết các sĩ quan bấy giở, dù Pháp, dù Việt đều dành cho ông lòng khâm phục, niềm kính trọng đặc biệt. Trong suốt thời gian ông cầm quyền Tư Lệnh, không hề có nạn lính ma, lính kiểng; nạn mua quan, bán chức, nạn tham nhũng. Sau khi rời VN, ông lại giữ thân phận thanh cao, sống ẩn dật. Ông từ trần vào tuổi 94, là tuổi mà cố nhân gọi là tuổi trời cho. Ông quả xứng đáng là một danh tướng biết lẽ xuất, xử vậy.
VNTP
 (Do Ctsq Nguyễn Văn Pháp cung cấp tài liệu)






Hải quân Thiếu tá Quân y Phi hành Nguyễn Cẩm Vân
(U.S Navy Lieutenant Commander (LCDR) Flight Surgeon)

fe0e1aeff6e8458d94701cfb376bf37b.jpg
Tháng 4, 1975, VNCH rơi vào tay quân cộng sản. Trong dòng người di tản vội vả ấy, có một sĩ quan hải quân trẻ, tên là Nguyễn Văn Huấn. Anh rời Việt Nam trên một con tàu, mang theo cô con gái nhỏ tên là Minh Tú vừa mới tròn thôi nôi và bỏ lại đàng sau giấc mộng hải hồ của người sĩ quan hải quân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH)…

Sang định cư tại Hoa Kỳ, tại vùng phía bắc tiểu bang Virginia sát cạnh thủ đô Hoa Thịnh Đốn, gia đình ông Huấn sinh hạ thêm một cháu gái vào năm 1977 với tên Việt là Cẩm Vân và tên Mỹ là Josephine Nguyễn.

Sẽ chẳng có chuyện gì đáng nói, nếu người sĩ quan hải quân ấy hàng ngày “đi cày” kiếm tiền nuôi con, cho con học hành, đỗ đạt thành tài…

Chuyện đáng nói ở đây là người sĩ quan trẻ phải giã từ màu áo chiến binh ngày nào đã nối dài ước mơ đời lính của mình tới hai cô con gái yêu quý cuả anh…

Từ huyền thoại người lính QLVNCH …

Hai cô gái nhỏ Minh Tú và Cẩm Vân lớn lên nơi vùng đất lạ, tiểu bang Virginia và không ít lần thắc mắc về cuộc đời của bậc sinh thành, nguồn gốc của mình. Ông Huấn nhiều khi kể cho con nghe về quá khứ của mình, về hình ảnh anh dũng của người lính QLVNCH, về cuộc chiến Việt Nam, về quê hương bỏ lại nghìn trùng xa cách bên kia bờ Thái Bình Dương…

Hai cô con gái nhỏ ngồi nghe chuyện kể của cha như nghe những chuyện cổ tích từ nhà trường như "Cuộc Chiến Thành Troy", như "chuyện cổ Hy Lạp Odyssey", như nhiều chuyện cổ tích thần thoại khác,…

Và có ai ngờ rằng những câu chuyện kể về một cuộc chiến đã qua, về những trận đánh oai hùng trong quân sử hải quân QLVNCH lại trở thành những hạt giống nhỏ, những chồi non và qua thời gian trở nên lớn dần, nẩy mầm, sinh chồi nảy lộc trở thành những ước mơ đời lính trong tâm hồn của các cô gái Mỹ gốc Việt, dù rằng các cô lớn lên trong xứ sở an bình, ở một nơi chốn bình an,… Các cô lớn dần và giấc mộng hải hồ đời lính cũng lớn dần theo năm tháng…

Chính Cẩm Vân cũng tiết lộ trong bài “Female cadets finally take command with top Naval Academy graduating honors” của hãng thông tấn Associated Press vào ngày 27 tháng 5, 1999 là quyết định theo đuổi ngành hải quân của cô là do ảnh hưởng của cả từ người cha và người chị. Cô nói: “Chúng tôi lớn lên trong những câu chuyện kể về sự nghiệp hải quân của cha tôi.” Ngoài ra, một động cơ khác sâu lắng hơn, tiềm ẩn hơn để cô quyết định vào hải quân là ý tưởng đền ơn đáp nghĩa theo truyền thống báo đáp của người Việt. Cẩm Vân nói trong bài viết nói trên của AP: “Bạn muốn đền đáp lại cho đất nước đã giúp đỡ rất nhiều cho gia đình bạn.”

Con đường vào binh nghiệp lận đận của người chị Minh Tú.

Thoạt tiên, ngay khi vừa tốt nghiệp trung học, Minh Tú muốn vào Học Viện Hải Quân Annapolis ngay để nối tiếp sự nghiệp còn dang dở của người cha, thế nhưng con đường vào binh nghiệp của Minh Tú – chị của Cẩm Vân – thật là gian nan. Cô ta bị Học Viện Hải Quân từ chối đến 3 lần, và cuối cùng cô phải đi một con đường vòng để thực hiện được ước mơ: gia nhập lực lượng trừ bị (ROTC: Reserve Officers’ Training Corps)! Minh Tú bộc lộ trên báo Mỹ: “Tôi nộp đơn vào Học Viện Hải Quân ngay khi xong trung học, thế nhưng, đơn của tôi bị bác đến 3 lần. Tôi đành phải đi học tạm tại trường đại học George Mason và năm sau lại nộp đơn gia nhập quân ngũ, nhưng vẫn bị từ chối.” Dẫu vậy, Minh Tú không phải là người dễ dàng chấp nhận bỏ cuộc, cho nên cô nghĩ ra cách đi đường vòng. Cô ta kể lại: “Tôi gia nhập Lực lượng Trừ Bị (ROTC), xuất sắc nên được sự đề cử của tổng trưởng Hải Quân vào Học Viện Hải Quân. Và sau gần một năm dưới màu áo Trừ Bị, tôi được chọn lựa vào trường Dự Bị của Học Viện Hải Quân tại Rhode Island”. Cô ta kể lại rằng đạt mục đích này là giấc mơ sắp thành tựu.

Vào năm 1995, Minh Tú chính thức được nhận vào Học Viện Hải Quân và cũng vào năm này, một niềm vui lớn cũng đến với cô là người em gái Cẩm Vân được nhận ngay vào Học Viện Hải Quân. Cả hai chị em, một sinh năm 1974 và một sinh năm 1977, đều vào quân ngũ.

Những câu chuyện kể về người lính hải quân QLVNCH ngày nào từ người sĩ quan trẻ Nguyễn Văn Huấn đã được chính hai cô con gái của anh viết tiếp trong trang sử quân nhân trên đất nước Hoa Kỳ.

Vào năm 1999, sau khi ra trường, Minh Tú trở thành sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.

Cẩm Vân và những cánh cửa cơ hội rộng mở.

Nếu Minh Tú sẵn sàng cuộc đời quân nhân sau khi tốt nghiệp Trung Học (sau khi giải ngũ, cô Minh Tú theo học để trở thành luật sư và nay là công chức liên bang tại Hoa Thịnh Đốn), thì cô em Cẩm Vân có ý định vào chuyên khoa, vì cánh cửa đại học chuyên môn đã rộng mở ngay sau khi cô tốt nghiệp trung học ..

Vừa tốt nghiệp trung học , Cẩm Vân được nhiều trường đại học uy tín như Stanford, Brown, Princeton và Yale nhận vào học. Cô muốn vào một trường nổi tiếng, ra trường với mảnh bằng bác sĩ .

Thế nhưng, lời thuyết phục của người cha và người chị khiến cho Cẩm Vân thay đổi quyết định, và đã chọn lựa con đường gai góc hơn, con đường thử thách hơn mà đi: Gia nhập học viện hải quân vào năm 1995, cùng khoá với người chị – Minh Tú.

Con đường nhập ngũ của Cẩm Vân suông sẻ hơn con đường gồ ghề gian nan hơn của người chị – Minh Tú.

Cẩm Vân thú nhận rằng cô rất vui khi làm theo lời khuyên của gia đình…

Và từ ấy, quân lực Hoa Kỳ có thêm hai nữ quân nhân… người Mỹ gốc Việt!

Khi những giọt nước mắt đã biến ý chí người nữ quân nhân gốc Việt thành thép.

Hai chị em Minh Tú và Cẩm Vân tốt nghiệp Học Viện Hải Quân khóa 1999. Riêng Cẩm Vân tốt nghiệp á khoa (hạng nhì) trong một khóa ra trường trên 900 tân sĩ quan và cô cũng là trung đoàn trưởng, lãnh đạo 2,000 sinh viên sĩ quan trong học viện.

Cần nói thêm là Quân Lực Hoa Kỳ có 3 đại học quân sự huấn luyện các sĩ quan, cùng với đại học quân y tại Hoa Thịnh Đốn.
- Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến (Annapolis) U.S Naval Academy, tọa lạc tại Maryland .
- Lục Quân (West Point) U.S Military Academy, ở tiểu bang New York .
- Không Quân (Colorado Springs) U.S Air Force Academy, trong tiểu bang Colorado.
Thông thường các sĩ quan tốt nghiệp đầu bảng các đại học quân sự là các nam sinh viên sĩ quan, năm 1999 có một hiện tượng đặc biệt là tại US Naval Academy, nơi đào tạo các danh nhân như tổng thống Carter, Thượng Nghị Sĩ John S. McCain, đỗ đầu là một nữ sinh viên sĩ quan và hạng nhì là một nữ sinh viên gốc Việt, hải quân thiếu úy Nguyễn Cẩm Vân .
Theo hệ thống tự chỉ huy, sinh viên thủ khoa chỉ huy toàn thể 4,000 sinh viên sĩ quan, sinh viên á khoa là phụ tá và chỉ huy 1 trung đoàn 2,000 sinh viên, sinh viên có hạng thứ ba chỉ huy trung đoàn khác.

Vì sao một cô gái Việt nhỏ nhắn lại có thể vượt qua những nam sinh viên sĩ quan người Mỹ to lớn về thể chất như thế? Điều gì đã làm cho cô gái Việt trở thành một sĩ quan á khoa và là một trung đoàn trưởng được 2,000 sinh viên sĩ quan người Mỹ nễ phục và tuân lệnh?

Chắc quý vị cũng tò mò trước những câu hỏi như thế!

Trong bài viết "Godfrey, Nguyen, Lentz reach pinnacle for '99 của USNA Public Affairs", thì cô Cẩm Vân tốt nghiệp á khoa với 3.98 điểm trong số điểm tối đa 4.0, và ba yếu tố cấu thành là : kiến thức văn hóa, khả năng quân sự , yếu tố vượt qua khó khăn. Ông phó khoa trưởng giáo dục Frederic I. Davis của Học Viện Hải Quân nói rằng “bạn không thể nào có thứ hạng cao mà không tỏ ra xuất chúng trong ba lãnh vực nói trên.”
Nói về học tập thì cô gái Việt Nam có thể so tài với người Mỹ, thế nhưng, làm sao một cô gái Việt Nam nhỏ bé lại có thể xuất chúng hơn những chàng trai Mỹ to lớn, khoẻ mạnh để trở thành một trung đoàn trưởng lãnh đạo 2,000 sinh viên sĩ quan và tốt nghiệp á khoa?

Chúng tôi bị thu hút vào câu hỏi này và càng tò mò về nữ đại úy bác sĩ Hải Quân người Mỹ gốc Việt này (cấp bậc năm 2005)!

Cẩm Vân kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cô như sau…

Cô ta vẫn nhớ như in trong đầu những ngày đầu của một sinh viên sĩ quan trong Học Viện Hải Quân. Đó là muà hè nắng cháy tới 105 độ. Trong 6 tuần hè đó, mà những tân sinh viên sĩ quan thường gọi là 6 tuần hỏa ngục (thời gian huấn nhục). Dưới cái nắng cháy da trong quân trường đổ lửa, các tân sinh viên sĩ quan, dù nam hay nữ, dù Mỹ trắng hay người Mỹ gốc Phi, gốc Á đi nữa vẫn phải học giống nhau từ môn chạy vuợt chướng ngại vài dặm mỗi ngày cho đến bắn súng, hít đất, lăn lộn, bò càng,…
Không chỉ tập luyện rất gay go như thế mà nhiều khi còn bị đàn anh, đàn chị la hét, khi cô tỏ ra mệt mỏi.

Cô ta kể lại, có lần mệt nhoài, cô núp vào một góc và suýt bật lên tiếng khóc. Cô muốn khóc cho lớn để vơi đi những nỗi buồn bị la rầy từ cấp trên. Một hôm một nữ sĩ quan huấn luyện bắt gặp và mời cô lên văn phòng an ủi là mọi chuyên sẽ trở nên tốt đẹp, và cô không nên tự ái khi bị la vì nhờ vậy cô mới trở nên khá hơn, thoát bỏ đời sống và lối suy nghĩ dân sự để trở thành một quân nhân, một sinh viên sĩ quan…

Cô Cẩm Vân kể lại là khi buớc ra khỏi văn phòng sĩ quan cán bộ này, cô bớt buồn và quyết tâm thành công hơn trong thời gian huấn luyện, quyết tâm ở lại quân trường và quyết tâm ra trường với kết quả thứ hạng hàng đầu. Nhiều khi, cô tự an ủi mình là người con gái Việt không nên để người ta cười, người ta chế giễu, người ta lấy làm đề tài cho những chuyện vui đùa khôi hài tại quân trường…

Quyết tâm đó đã giúp cô làm quen với cường độ tập luyện ngày càng gia tăng nặng nề hơn. Những giọt nước mắt, những tự ái và tự hào người Việt hun đúc trong cô, biến ý chí của cô trở nên cứng rắn như sắt thép, và từ đó, những ngày tháng nơi quân trường chỉ thấy mồ hôi của cô chảy và không bao giờ thấy nước mắt chảy nữa.

Ngày xưa, chúng ta nghe đến câu chuyện người thiếu phụ hóa đá và bây giờ, chúng ta nghe câu chuyện về nước mắt tự ái đã biến trái tim và ý chí của cô gái Việt trở nên cứng rắn như đá, như thép.

Cô ta kể lại, như để trả lời câu hỏi là làm sao cô có thể vượt lên trên cả ngàn tân binh to lớn người Mỹ như thế, như sau:

- Trong quân trường, dưới cái nắng thiêu người như thế, trên một lộ trình chạy vượt chướng ngại dài và những bài tập thể lực căng thẳng, sau những đêm, ngày thiếu ngủ, dù ai đi nữa, dù Mỹ trắng, dù Mỹ gốc Phi hay gốc Á, dù là nam tân binh hay nữ tân binh,… cũng sẽ mệt nhoài, kiệt sức, và trong hoàn cảnh ấy, ai cũng giống ai cả, cũng gần ngã gục cả, và chỉ có một thứ làm mình đứng dậy, hiên ngang lao tới là ý chí , là tự ái, là tự tin và tự hào, là tâm lý không muốn cho người ta coi thường, cười nhạo báng người con gái Việt… Người con gái Việt phải vượt lên, lao tới, trở thành ưu tú…

Và cô đã lấy nước mắt pha lẫn mồ hôi, cộng với ý chí kiên cường, cộng với niềm tự hào về đời quân ngũ của người cha mà viết tiếp trang quân sử tuyệt vời mà thân phụ đã dang dở năm nào,…

Cô nói: All I can say is "sure they're stronger than I am, but when we're all in the same boat, when it's 105 degrees outside, when we're all exhausted from lack of sleep, doing hundreds of pushups and from running numerous miles, it's your determination that will keep you going". I never gave up. I never fell out of the runs…

Và cô đã làm được điều đó: Tốt nghiệp á khoa và được là trung đoàn trưởng, lãnh đạo, quản trị chỉ huy 2000 sinh viên sĩ quan.

Đọc câu chuyện về cô, nghe kể về cô, trái tim tôi xúc động trước sự rực rỡ ý chí của một người con gái Việt trẻ tuổi.

Không những ý chí của cô là một tượng đài tuyệt đẹp mà nhân cách của một cô gái Việt cũng được chứng minh, được khẳng định trong quân trường…

Cô kể lại rằng khi sĩ quan cán bộ yêu cầu một phiên làm vệ sinh quân trường, thì cô là người tình nguyện đầu tiên để nhận lãnh trách nhiệm ấy. Chính việc làm này càng làm tăng thêm uy tín cho cô và càng ngày cô càng được các khóa sinh kính trọng và yêu mến…

Và từ đó, ngay trên quân trường, một khả năng lãnh đạo phát sinh trong người con gái Việt.

Cô kể lại rằng nhiều người quan niệm là khả năng lãnh đạo là thiên phú, là trời cho, thế nhưng cô nghĩ là trong mỗi chúng ta đều có năng lực trở thành một người lãnh đạo thành công và giỏi. Năng lực lãnh đạo phát sinh từ thực tế công việc, từ sự cần cù và những học hỏi từ sai lầm mà mình đã vấp. Và đó là những đặc điểm độc đáo từ Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ, một nơi mà theo cô là một phòng thí nghiệm tuyệt vời về khả năng lãnh đạo và chỉ huy.

Hành trình 4 năm tại học viên Hải quân, Cẩm Vân đi từ một cô gái rụt rè, sợ hãi, đến một vị trí Trung Đoàn trưởng, chỉ huy 2000 sinh viên sĩ quan, thì bài học nào cần thiết được rút ra cho khả năng lãnh đạo chỉ huy?

Cô đắn đo suy nghĩ và rút ra năm kinh nghiệm sau đây:

1. Đặt lợi ích của người khác trước lợi ích của mình.

Cô nói rằng thuộc cấp của bạn sẽ biết rõ ràng rằng liệu bạn có thật sự lo cho họ hay không bằng cách bạn đối xử với họ thế nào. Nên nhớ bao giờ cũng thực hiện tối đa nguyên tắc này và bạn sẽ được thuộc cấp nể phục.

2. Đừng chẻ sợi tóc làm tư. Đừng micro-manage (đừng quản trị chi tiết):

Nếu bạn giao cho ai việc gì, bạn đề nghị cho họ cách thực hiện và cho họ biết là bạn tin tưởng vào khả năng làm việc của họ. Hãy để cho họ tìm cách riêng để hoàn thành công việc. Hãy để họ bàn với bạn phương cách làm việc và chính họ là người hoàn thành công việc. Làm như thế họ sẽ tự hào về khả năng của họ và cần mẫn làm việc hơn bao giờ hết. Người ta sẽ làm việc hết mình nếu lãnh đạo tin vào họ.

3. Lấy mình làm gương:

Nếu bạn muốn mọi người có mặt vào lúc 8 giờ, thì bạn phải có mặt vào lúc 7:50, chứ đừng đến 8:05 hay 8:10. Châm ngôn trong quân đội là đúng giờ tức là đến trước giờ.

4. Luôn làm điều đúng dù không có ai quan sát hay theo dõi bạn. Có lúc, làm khác đi, bạn sẽ ân hận và bị ám ảnh điều đó.

5. Khen công khai, phê bình kín đáo:

Nhiều thượng cấp và cả cha mẹ phạm sai lầm là la con cái hay thuộc cấp trước mặt mọi người. Làm như thế sẽ hạ thấp, làm mất thể diện người khác và bạn sẽ mất đi sự kính trọng và lòng trung thành của người đó.

Trong xã hội ngày nay, nhiều người quên một điều quan trọng nhất trong đời sống. Đó không phải là tiền tài hay địa vị mà đó là cuộc sống của bạn sống thế nào, ảnh hưởng đến xã hội và người khác ra sao, dù chỉ một người mà thôi,… Chính điều này, sự ảnh hưởng xã hội và người khác một cách tốt đẹp mới là giá trị quan trọng của đời sống…

Tính cách lãnh đạo chỉ huy và quan niệm thay đổi đời sống đang hun đúc giá tri người lãnh đạo của một cô gái Việt này và giúp cô vượt lên từ một cô gái Việt bình thường thành một sĩ quan tốt nghiệp á khoa và là một trung đoàn trưởng của Học viện Hải Quân Hoa Kỳ.

Nguồn cảm phục: Những gương tiền nhân trong dòng sử Việt

Sinh ra trên đất Mỹ và lớn lên ở xứ người, cũng như những người cùng hoàn cảnh, nhiều lúc Cẩm Vân tự hỏi mình: Tôi là người Mỹ hay người Việt?

Cô phải trải qua một quá trình dài để nhận ra sự khác biệt này, chấp nhận căn cước bản thể của mình, và yêu mến cộng đồng của mình, di sản dân tộc mình…
Cô tâm sự: “Sự thừa nhận nguồn gốc đã làm cho tôi cảm thấy tự tin hơn, cởi mở hơn với sự đa dạng trong đời sống và có thêm nhiều ý kiến khác biệt. Tôi phát hiện ra những sự dị biệt trong con người và và điều đó làm cho tôi thấy mỗi người trở nên đẹp đẻ hơn đối với tôi…

Trong hành trình tìm thấy bản thể của mình, cô trân quý cha mẹ của cô. Cô nói: Cha mẹ tôi đã liều thân đưa chúng tôi ra đi để có một tương lai tươi sáng hơn, và do đó tôi mới có mặt cùng quý bạn trên đất nước này. Khi nghĩ về điều đó, tôi cảm thấy nợ cha mẹ tôi rất nhiều, và cũng như nhiều cha mẹ khác đã cũng hy sinh như thế vì tương lai của các con cái…

Và tôi luôn muốn nói với mọi người và với bạn là tôi muốn vinh danh cha mẹ tôi, vinh danh cha mẹ bạn, vinh danh tất cả những bậc cha mẹ đã hy sinh liều chết đưa con cái ra đi để có tương lai tươi sáng, vinh danh họ vì những nỗi nhọc nhằn, hy sinh, tủi cực mà họ đã trải qua để có cuộc sống tươi đẹp cho con cái, và vinh danh cả tình yêu mà thế hệ cha anh đã dành cho chúng ta…

Cô tâm sự: “Tôi đã từng khóc trên quân trường, trong cuộc đời vì tự ái. Bạn và tôi có bao giờ nhìn thấy nước mắt của cha mẹ mình chảy ròng trên má để mang lại cuộc sống đầy đủ cho gia đình trên xứ lạ quê người?"…
Sau khi tốt nghiệp Học Viên Hải Quân, hải quân thiếu úy Nguyễn Cẩm Vân được nhận vào đaị học Stanford, cô tốt nghiệp bác sĩ y khoa, lên trung úy rồi đại úy, thực tập tại Naval Medical Center tại Bethesda, huấn luyện phi hành tại Pensacola và nhận nhiệm sở đầu tiên tại Yokosuka, Nhật Bản . Đây là căn cứ của lực lượng ứng chiến tiền phương (forward deployed forces) quan trọng nhất tại Thái Bình Dương. Sau khi bỏ các căn cứ tại Phi Luật tân (Clark Air Base, Subic Bay Naval Base), Hoa Kỳ thành lập lực lượng ứng chiến tiền phương, chính yếu bao gồm: hải không quân trên hàng không mẫu hạm, hạm đội, Thủy Quân Lục Chiến ...... với tổng hành dinh tại Yokosuka, khoảng trên 100 dặm phía bắc của Tokyo. (Được biết Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến, phi công F/A-18 Hornet, Elizabeth Phạm hiện đang phục vụ tại đây). Với chức vụ flight surgeon, thêm vào với việc phục vụ y tế cho các quân nhân tại căn cứ, hải quân đại úy quân y phi hành Nguyễn Cẩm Vân đặc trách theo hạm đội, với văn phòng y khoa trên hàng không mẫu hạm chăm sóc sức khỏe cho phi hành đoàn của các đơn vị hải không quân. Sau thời gian ở tiền tuyến, bác sĩ Cẩm Vân theo học chuyên khoa rồi thực tập tại Medical Center, University of Pennsylvania tại Philadelphia, một trong những trung tâm y khoa uy tín nhất Hoa Kỳ . Hiện tại hải quân thiếu tá quân y phi hành Nguyễn Cẩm Vân phục vụ tại Trung Tâm Y Khoa Quân Lực Hoa Kỳ tại thành phố Bethesda, Maryland, gần thủ đô Hoa Thịnh Đốn..

Cô ta kể lại rằng từ nơi xa xôi ấy, cô vẫn đọc sách sử về văn hóa Việt và cô tự hào về gia sản văn hóa của mình và trong những đêm ngồi đọc sử Việt, cô ngưỡng mộ rất nhiều những nữ anh hùng đất Việt như Bà Trưng, Bà Triệu… Cô tâm sự rằng hình ảnh Bà Triệu làm cô ngưỡng mộ và xúc động nhất. Mới tuổi 20, Bà Triệu đã lãnh đạo khởi nghĩa chống quân Trung Hoa xâm lược, để bảo vệ giang sơn bờ cõi của tiền nhân, và khi mộng không thành thì chấp nhận quyên sinh chứ không nộp mình cho giặc…

Lênh đênh trong hạm đội ứng chiến trên Thái Bình Dương, trong văn phòng y khoa tại hàng không mẫu hạm, Cẩm Vân tự nhủ: Chúng ta còn quá nhỏ bé so với tiền nhân! Và mỗi lần nghĩ về đất nước, mỗi lần mệt mỏi gần gục ngã, hình ảnh Bà Triệu, tấm gương Bà Triệu như là nguồn sinh khí cho cô đứng dậy và vươn lên…
Nguyễn Viết Kim