Friday, March 30, 2012


NHỮNG NGÀY CUỐI Ở QUÂN ĐOÀN 4

Lts: Cựu TSQ Lương Văn Lành nhập trường vào mùa thu năm 1962, số quân là 2631, thuộc Tiểu Đoàn 2/6F ( Cán bộ Thiếu úy Phụng và Thượng sĩ Đinh Mỹ Hoa…)  Ra trường năm 1968, tốt nghiệp khóa 6/68 Sĩ quan Bộ binh Thủ Đức, bổ nhiệm về Trung Đoàn 31, Sư đoàn 21/BB, đảm nhiệm các chức vụ từ Trung đội Trưởng Quân báo, Đại đội Trưởng trinh sát Trung đoàn và Sư đoàn 21/BB. Tháng 10/1973 nhận chức vụ Tiểu đoàn Trưởng TĐ3/33 Sư đoàn 21 Bộ binh. Chức vụ sau cùng là Thiếu tá Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 3/33/21BB. Tưởng cũng nên nhắc lại, Anh là người đầu tiên lên Thiếu Tá của Liên Lớp 1961-1968 .


Sau 30 tháng tư năm 1975, rời đơn vị, xa chiến hữu với niềm uất hận chí trai chưa phỉ, để đêm ngày vẫn nhớ Tiểu đoàn 3/33/21/BB mãi mãi với câu “ Tiểu đoàn 3/31 Beo Gấm U Minh là tập hợp những chàng trai phong sương và yêu cuộc đời chinh chiến “.

Sư đoàn 21 chịu trách nhiệm phòng thủ và bảo vệ Quân đoàn IV cùng với Thiết đoàn 9 Kỵ Binh. Vào những ngày cuối tháng tư năm 75 đơn vị chúng tôi chạm súng liên miên. Nói chung vòng đai của Quân đoàn IV rất sôi động. Tuy nhiên quân Việt cộng không thể lấn chiếm được vòng đai này. Từ những ngày giữa tháng 4, đơn vị tôi đã tấn công đơn vị pháo Việt cộng khi chúng tôi dự tính đưa áp pháo sát vào Cần Thơ để pháo kích trung tâm thành phố và phi trường Bình Thủy. Phối hợp cùng chi đoàn 1/9, chúng tôi bất ngờ tấn công tiêu diệt gọn đội pháo này, tịch thu toàn bộ vũ khí gồm hỏa tiển 122 ly, 105 ly với hơn 600 quả đạn cối. Nhờ vậy mà thành phố Cần Thơ và Bộ Tư Lệnh Quân đoàn IV không bị pháo kích trong những ngày cuối tháng tư.

Ngày 29/4/75, Việt Cộng áp lực nặng trên quốc lộ 4, nhằm cắt đường tiếp viện từ Quân đoàn 4 về Sàigòn.

Trong khi Sàigòn đang hấp hối, thì Cần Thơ, thủ phủ của Quân đoàn IV vẫn an ninh tuyệt đối, kế hoạch hành quân vẫn tiếp diễn, không một đồn bót xa xôi hẻo kánh bị rơi vào tay Việt cộng.

Sáng 30 tháng tư 1975, Tiểu đoàn 3/33/21BB cùng hai chi đoàn thiết giáp hành quân từ Cờ Đỏ về quận Thới Lai để ngăn Việt cộng xâm nhập vòng đai “ Alfa” an ninh của Quân đoàn.

Đến khoảng 10 giờ sáng , đoàn quân đang di chuyển bỗng nghe trên radio ( transtor bỏ túi) tiếng Tổng Thống Dương Văn Minh tuyệt đối đầu hàng Việt cộng và ra lệnh tất cả các đơn vị quân Đội và quân dân các cấp hãy ở yên tại chỗ chờ bàn giao cho quân  Giải phóng.

Nghe lệnh đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh, chúng tôi tất cả đều bàng hoàng bực tức : ” Thế là hết, tàn cuộc chiến, là thua, là sẽ như thế nào!!!”…Tôi nghĩ đến ngày mai đen tối của người thua trận…

Nhưng sau đó, qua máy truyền tin C25, tôi trực tiếp với Tư lệnh hành quân Trung tá Thành và Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 9 nhận chỉ thị điều động đơn vị và hai chi đoàn thiết giáp về bảo vệ Quận Thới Lai, trên đường di chuyển gặp Việt Cộng cứ “ phơ tái” như thường lệ…không đầu hàng gì hết.

Trên đường chuyển quân chúng tôi đã không gặp tên việt cộng nào mà chỉ gặp những đồng bào lánh nạn Cộng sản tay cầm cờ vàng, đi từng nhóm về vùng an ninh của chúng ta.

Chiều tối 30/4/75 đang phòng thủ bảo vệ Chi khu Thới Lai, chúng tôi lại được lệnh di chuyển cùng 2 chi đoàn 1/9 và 3/9 Thiết giáp về chi Khu Ô Môn khẩn cấp . lúc này khoảng 7 giờ tối, nhiệm vụ là khai thông và bảo vệ quốc lộ 4 từ Ô Môn đến phi trường Bình Thủy. Khoảng 8 giờ 30 chúng tôi cách Ô Môn chừng 2 cây số đột nhiên truyền tin mất liên lạc với Bộ chỉ huy hành quân và cũng không liên lạc được Chi Khu Ô Môn, tránh ngộ nhận nên tôi cho lệnh dừng quân tìm cách liên lạc lại BCH. Khoảng nữa giờ sau chúng tôi liên lạc được BCH/HQ Trung tá Thành nói với tôi:

-         Tôi thay mặt Bộ chỉ huy Hành quân thông báo cho anh em biết đã đến giờ thứ 25 rồi, kể từ bây giờ các anh tự lo lấy cho đơn vị, nhưng tôi yêu cầu các anh một điều không nên để anh em đổ máu hy sinh vô ích… Xin để anh em về sum họp với gia đình…

Lời nói đến đây im bặt rồi cúp máy hẳn… Kể từ đó chúng tôi không còn liên lạc được với ai nữa.

Tôi cùng 2 Thiết đoàn Trưởng 1/9 và 3/9 tựa lưng nhau yểm trợ chiến đấu cho đến sáng 1/5/75. Đêm đó đơn vị tôi đã có hy sinh và bị thương, nhưng tinh thần anh em vẫn không dao động, mặc dầu Việt cộng đã bao vây kêu gọi đầu hàng suốt đêm, chúng tôi như rắn mất đầu. Tôi cùng Chi đoàn Trưởng Thiếu tá Phát 1/9 và Đại Úy Thọ 3/9 họp bàn tìm phương quyết định, có ý kiến mở đường rút về U Minh, cố thủ, nhưng có ý kiến e rằng không tự túc nổi vì không đủ lương thực đạn dược, thuốc men lo cho anh em chỉ sợ đưa anh em binh sĩ vào tử lộ, như hai binh sĩ vừa hy sinh trong đêm 30/4 vừa rồi phải chôn lấp vội vàng không kịp phủ lá cờ hay một vòng hoa lần cuối cho trọn tình chiến hữu… cuối cùng chúng tôi đành theo lệnh…

Biết bao người hy sinh để bảo vệ miền đất tự do đến giờ phút cuối, gian khổ, hiểm nguy sinh tử không làm chùn buớc, nhưng vận nước nay tới hồi điêu linh, hận sức mình không chuyển nổi cơ trời…

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG HY SINH…

Ngày 1 tháng 5, tôi về đến Cần Thơ khoảng 11 giờ trưa, gặp Trung Úy Thanh ( hiện định cư tại Melbourne ) cho hay Tướng Hưng đã tự sát !!! Tôi cùng Thành vội đến dinh Tướng Hưng. Lúc đó tại dinh đã có Việt cộng gác cổng. Tôi vào, mấy tên Việt cộng nhìn theo nhưng chẳng nói gì. Tôi lên tận phòng riêng Tướng Hưng để nhìn mặt người đàn anh đáng kính lần cuối. Phải nói rằng tôi nhìn thấy Tướng Hưng như đang ngủ, mắt nhắm, tay xuôi bình thản, như anh mãn nguyện vì đã hiến trọn đời mình cho Tổ quốc… Nhưng chắc anh cũng buồn vì dân tộc và quê hương vẫn không thể yên lành trong tay giặc Cộng.

Hiện diện trong dinh Tướng Hưng lúc đó, ngoài tôi còn có hai tùy viên của Tướng Hưng là Trung úy Phúc và Trung úy Nghĩa ( Phúc đã chết trong tù cải tạo, còn Nghĩa nay còn ở Việt Nam), Trung tá Bia thuộc Sở Hành chính Tài chánh CầnThơ, Thiếu tá Phương cùng một số anh em cận vệ, (trung tá Bia cũng đã chết trong tù cải tạo ở miền Bắc).

Lúc đó anh em chúng tôi lo tẩm liệm theo quân cách, Tướng Hưng mặc quân phục đại lễ,. đeo sao, phủ Quốc kỳ, có liệm trà ướp và mời thầy chùa đến tụng kinh. Chúng tôi nhở xe kiệu tang đến đưa linh cửu Tướng Hưng về mai táng tại mảnh đất trên đường Nguyễn Viết Thanh- Cần Thơ vào lúc 13 giờ ngày 1 tháng 5,1975.

Buổi tiễn đưa linh cửu người anh hùng tử thủ An Lộc không có nhiều người, ngoài vợ con Tướng Hưng, năm anh em chúng tôi cùng ông thấy tụng kinh với mấy người khiêng linh cửu. Đồng bào Cần Thơ  có xin được đưa tiễn Tướng Hưng về nơi an nghỉ cuối cùng nhưng Việt cộng không cho phép, được biết trước đây khi giữ chức vụ Tỉnh trưởng Cần Thơ Tướng Hưng rất được đồng bào Cần Thơ thương mến vì Ông luôn luôn đối xử thuận hòa theo ý đồng bào.

Phu nhân Tướng Hưng là chị Hoàng cùng hai tùy viên chứng kiến đã kể lại cái chết của Tướng Hưng cho chúng tôi biết như sau:

Tướng Hưng cùng Tướng Nguyễn Khoa Nam đã họp bàn quyết định tự thủ Quân đoàn 4 bất chấp lệnh đầu hàng của Tướng Minh. Bộ Tư lệnh quân đoàn đã ra lệnh các Tiểu khu cùng các đơn vị quân binh chủng , các sư đoàn chiến đấu tiếp tục cho đến khi có lệnh mới.

Tình hình Quân đoàn 4, đến cuối tháng tư năm 1975 không hề có một đồn bót , Chi Khu, Tiểu khu nào bị thất thủ, không một đơn vị tác chiến nào tan rã mặc dầu có nhiều trận giao tranh rất ác liệt cho đến ngày cuối, cho đến 28 rạng 29/4/75 tỉnh Ba Xuyên. Việt công pháo kích và tấn công vào phi trường Sóc Tăng, bị đẩy lùi ngay với nhiều thiệt hại nặng nề. Cuối cùng tại Tiểu Khu Chương Thiện, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn Tiểu khu trưởng vẫn chiến đấu đến cuối ngày 30/4/75. Các đơn vị Sư đoàn và thiết giáp chúng tôi đều chiến đầu đến cuối 30/4/75.

Tướng Hưng tự sát vì kế họach tự thủ không thành. Riêng tôi vẫn thắc mắc không hỉểu vì sao các đơn vị vẫn còn vững mạnh mà bỗng nhiên ra lệnh rã ngũ… mãi đến bay giờ tôi mới hiểu ra…

Người tùy viên của Tướng Hưng kể, vào lúc 7 giờ 30 tối ngày 30/4/75 tướng Hưng nghe điện thoại ở phòng riêng, bỗng nhiên ông đập bàn giận dữ và nói:

-         Thôi vậy là hết rồi, còn gì phải nói… hỏng hết kế họach…

Tướng Hưng gọi hai sĩ quan tùy viên với một số binh sĩ bảo vệ dinh lên phòng nói chuyện, ông phát tiền cho anh em bảo vệ dinh cùng hai tùy viên và nói:

-         Giờ này tôi không còn cần các anh để bảo vệ nữa, Cám ơn các anh em đã giúp tôi nhiều trong mọi công tác, Anh em cầm tiền này mà về lo liệu cho gia đình. Thôi tạm biệt ah em và ra lệnh anh em phải giải tán ngay.

Ngay khi ấy Tướng Hưng gọi vợ con lên nói:
-         Nhiệm vụ bà bây giờ là phải sống và bảo vệ con cái cho nó nên người, bằng mọi cách tìm đường ra nước ngoài sống để lánh xa sự trả thù của Việt cộng . Sau này bà nói cho con hiểu thù Việt cộng là gì, còn phần tôi hy sinh trọn vẹn cho tổ Quốc Việt Nam tự do.

Chị Hoàng ,vợ Tướng Hưng khóc và nói:

-         Anh hãy nhìn kỹ… nhiều người khác cũng như anh , họ vẫn thản nhiên dẫn vợ con đi nước ngoài bằng phi cơ… em khuyên anh nên nghĩ lại có được không?...

Tướng Hưng trả lởi vợ,:

-         Vợ chồng sống chung, bà biết tính tôi, đã quyết định một là một… tôi sống khi nào tôi không còn thấy thằng Việt cộng nào lãng vãng vào đây…bây giờ tôi không giết được chúng nó thì tôi phải tự giải quyết phần tôi. Tôi ra lệnh bà đưa con xuống khỏi phòng tôi ngay.

Liền sau đó, cửa phòng đóng sập lại, khoảng 5 phút sau một tiếng nổ vang lên trong phòng Tướng Hưng, chị Hoàng và hai tùy viên vội chạy lên, xô cửa bước vào, thấy Tướng Hưng nằm trên giường, tay xuôi với khẩu súng colt 45 ấn vào ngực trái máu rỉ ra đã đưa vị danh Tướng vào quân sử Việt Nam Cộng Hòa cho người ngưởi thương tiếc….

Lúc đó là 8 giờ tối 30 tháng 4 năm 1975.

Tướng Lê Văn Hưng , người đã một đời oanh liệt, chiến đấu anh dũng để bảo vệ tự do cho quê hưong , dân tộc, nay thế nước nghiệt ngã, vận nước điêu linh… là Tướng không bảo vệ được đồng bào, quê hương người đã tự xử., quyết không chịu nhục… Một Tướng quân “UY DŨNG TRUNG LIỆT”. Người ra đi, để lại mãi mãi vô vàn kính phục và nỗi tiếc thương trong lòng muôn người dân Việt.

Tôi được vinh hạnh vuốt mặt người đàn anh ( và cũng là người Thầy của tôi trong quân đội) lần cuối và tiễn đưa anh về an nghỉ cuối đời.

Hôm nay 30 tháng 2005 , là lần giỗ thứ 30 của Tướng Hưng, người anh hùng đã từng tử thủ An Lộc 1972, Vị Tướng uy dũng vẹn toàn… tôi luôn tưởng nhớ Anh ; Từ ngày tôi về đơn vị, trình diện trung đoàn 31 ở Chương Thiện,  Anh là Trung tá Trung đoản trưởng, tôi đã được vinh hạnh bắt tay chào anh lần đầu năm 1968 và vuốt mặt anh lần cuối 1975.

Kính nguyện hồn thiêng sông núi anh linh, sớm đưa vận nước đến thời thanh bình, an lạc, tự do dân chủ Cộng sản diệt vong để hồn Anh chiến sĩ được ngậm cười nơi chín suối.

Sydney, tháng 4/2005
CTSQ Lương Văn Lành
Cựu Tiểu đoàn trưởng 33/SĐ21BB



LƯỢC GHI VỀ ĐỜI BINH NGHIỆP CỦA TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG

Tướng Lê Văn Hưng xuất thân khoá 5 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, mãn khóa vào tháng 1/1955.  Sau ngày ra trường, ông đã có một thời gian dài chiến đấu tại chiến trừong Miền Tây qua  các chức vụ . Các chức vụ chỉ huy từ cấp Đại đội, Tiểu đoàn, Trung đoàn thuộc Sư đoàn 21 Bộ Binh (BB). Năm 1966, ờ cấp Thiếu tá, ông là Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 31 BB . Cũng trong năm 1966, ông được các phóng viên chiến trường vinh danh là một trong năm ngũ hổ sĩ quan khác là : Thiếu tá Lưu Trọng Kiết, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 42 BĐQ, Thiếu tá Nguyễn Văn Huy, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 44 BĐQ, Đại úy Vương Văn Trổ, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 3/33BB, Đại úy Hồ Ngọc Cẩn , Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 1/33BB.


Năm 1968 ở cấp bậc Trung tá, Sĩ quan Lê Văn Hưng là Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 31BB. Ông đã chỉ huy Trung đoàn 31BB lập nhiều chiến tích tại chiến trường Hậu Giang. Cũng trong thời gian chỉ huy Trung đoàn 31BB, Ông được thăng cấp Đại tá. Giữa tháng 6/1971, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 5BB khi còn mang cấp Đại Tá, hơn 9 tháng sau ông được thăng cấp Chuẩn Tướng, tiếp tục giữ chức Tư lệnh Sư đoàn  này đến ngày 3 tháng 9/1972, sau đó được cử giữ chức vụ Tư lệnh Phó Quân Khu 3. Một năm sau, Tướng Hưng được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 21BB, cuối tháng 10/1974, ông đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Phó Quân đoàn 4 và đã tự sát vào tối 30/4 tại Cần Thơ.

Đã đăng trong Đặc San NhânTríDũng 2005


No comments:

Post a Comment